Dân Việt

Hai tàu Anh chở plutonium đủ để sản xuất hàng tá bom hạt nhân về Mỹ

Vũ Duy (Theo AP) 22/03/2016 07:14 GMT+7
Hai tàu của Anh ngày 21.3 đã cập cảng tại miền đông Nhật Bản để chở lô plutonium- đủ để sản xuất hàng tá bom nguyên tử-về Mỹ, trong khuôn khổ hiệp định song phương được ký trước đó.

Các tàu của Anh vừa mới cập cảng tại làng duyên hải Tokai, miền đông bắc thủ đô Tokyo, trụ sở chính của Cơ quan năng lượng và hạt nhân Nhật Bản, hãng tin Kyodo và các nhóm thạo tin cho biết.

Theo các nguồn tin, sẽ mất vài giờ để đưa các thùng chứa plutonium lên hai tàu này. Các tàu này được trang bị vũ khí dành cho lực lượng hải quân và các phương tiện phòng vệ khác.

Theo hãng tin AP, các tàu có tên lần lượt là Pacific Egret và Pacific Heron, vốn do Công ty Hạt nhân Thái Bình Dương vận hành, sẽ vận chuyển 331kg plutonium về kho của chính phủ Mỹ tại khu vực sông Savannah ở South Carolina, theo cam kết của Nhật Bản đưa ra năm 2014. Số plutonium này-phần lớn do Mỹ sản xuất cùng một số của Pháp- được đưa đến Nhật Bản để phục vụ các mục đích nghiên cứu.

Các quan chức Nhật Bản từ chối đưa ra bình luận chi tiết của lô plutonium nêu trên vì các lý do an ninh. Việc Nhật Bản đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng về tích trữ và tái sử dụng plutonium như một loại nguyên liệu để sản xuất điện cũng là một trong các mối lo ngại về an ninh toàn cầu.

Số plutonium nêu trên sẽ được vận chuyển về Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tổ chức tại Washington vào cuối tháng này. Đây được xem là nỗ lực cụ thể của Nhật Bản và Mỹ trong việc ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

img

Tàu Pacific Egret của Anh cập cảng tại Nhật Bản. Ảnh: AP

Nhật Bản hiện tích trữ một lượng lớn plutonium, ước khoảng 11 tấn tại quốc gia này và khoảng 36 tấn khác được tái chế tại Anh và Pháp và đang đợi để đưa về Nhật Bản. Tổng số plutonium nói trên của Nhật Bản đủ để sản xuất gần 6.000 quả bom nguyên tử.

Mỹ vốn đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các kết hoạch tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Nhật Bản và Trung Quốc để sản xuất plutonium phục vụ cho việc sản xuất điện, công nghệ mà Hàn Quốc đang muốn sở hữu, với các lo ngại về rủi ro an ninh và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhật Bản bắt đầu xây dựng nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng thông qua hợp tác với Công ty sở hữu nhà nước Areva của Pháp vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, dự án này đã bị hoãn từ đó tới nay. Tháng 11.2015, Nhật Bản đã quyết định hoãn việc mở lại nhà máy này đến năm 2018 để kiểm tra và nâng cấp điều kiện an toàn.

Các chuyên gia cho rằng việc tái khởi động nhà máy tái xử lý nhiên liệu Rokkasho sẽ không giúp giảm nhiệt tình hình bởi vì Nhật Bản ít có hy vọng để đạt được chương trình tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Lò phản ứng hạt nhân công nghệ đốt nhanh plutonium Monju của Nhật Bản, vốn bị trì hoãn trong hơn 20 năm qua, hiện đang đối mặt với rủi ro đóng cửa vĩnh viễn vì thiếu an toàn và các vấn đề về kỹ thuật. Trong khi đó, các kế hoạch thay thế như dùng hợp chất uranium-plutonium đốt làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân thông thường cũng đã bị hoãn lại từ khi xảy ra cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Hiện, chỉ có 2 trong số 43 nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đang hoạt động.