Dân Việt

Nâng mức cho vay để làm ăn “ra tấm ra món”

Đông Hoàng 23/03/2016 09:43 GMT+7
Cho rằng mức cho vay 8 triệu đồng/hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng khó khăn hiện nay là quá thấp, cán bộ, nông dân nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Điện Biên đang kiến nghị, đề xuất tăng lên 15 triệu đồng/hộ.

Tháng 12.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 54 về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS vùng khó khăn. Qua hơn 3 năm thực hiện, vốn tín dụng của chương trình này đã động viên, hỗ trợ nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, với mức cho vay 5-8 triệu đồng/hộ chưa đủ lực để đồng bào DTTS đầu tư phát triển sản xuất “ra tấm ra món”, thoát nghèo nhanh, bền vững.

Vừa bán vừa cho

img

Với 8 triệu đồng vốn vay và gia đình hỗ trợ thêm, bố mẹ chị Lò Thị Bua (xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) mới mua được con nghé. Ảnh: Đông Hoàng

Nói đến các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH, ông Lường Văn Bóng - Chủ tịch UBND xã Búng Lao, huyện Mường Ảng (Điện Biên) xuýt xoa: “Xã tôi vùng sâu vùng xa, đồng bào DTTS chiếm tới hơn 70% dân số, nếu không có tiền vốn của Ngân hàng CSXH thì dân không biết lấy tiền đâu để đầu tư cho sản xuất”.

Đang hào hứng, nhưng khi nói đến chương trình tín dụng cho hộ đồng bào DTTS nghèo, ông Bóng trầm hẳn xuống rồi nói cẩn trọng: “Chương trình tín dụng đó cũng tốt, nhưng mức vay 5 triệu đồng/hộ (trước kia) và 8 triệu đồng/hộ (hiện nay) thì đồng bào khó có lựa chọn để đầu tư cho “ra tấm ra món”. Thực tế, số tiền đó chỉ đủ để bà con nuôi dăm con lợn hoặc nuôi cá nhỏ lẻ…”.

Cũng như ở nhiều địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn khác, các hộ ở xã Búng Lao khi được vay vốn chương trình hộ đồng bào DTTS thường chỉ nuôi, trồng ở quy mô nhỏ lẻ. Nhiều hộ phải kết hợp các nguồn hỗ trợ khác mới đủ vốn đầu tư. Chị Lò Thị Bua, bản Xuân Tre chia sẻ. “Tôi được vay 8 triệu đồng chương trình hộ DTTS vùng khó khăn. Tôi muốn nuôi trâu, nhưng số tiền đó không đủ mua 1 con nghé. Đi mượn thêm bên ngoài không được, bố mẹ đẻ và anh em đành phải bán rẻ cho 1 con nghé con. Nếu mua bên ngoài, con nghé đó cũng phải đến hơn 12 triệu đồng…”.

Nâng mức vay lên 15 triệu đồng/hộ

Tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện đạt hơn 1.870 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ cận nghèo. Riêng chương trình tín dụng cho vay hộ DTTS vùng khó khăn hiện đạt hơn 41,6 tỷ đồng. 

Ông Lường Văn Hương có thâm niên hơn 10 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) bản Búng 1, xã Búng Lao cho biết, với mức cho vay 8 triệu đồng, chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS chưa đủ tạo động lực mạnh mẽ để bà con bứt phá vươn lên thoát nghèo bởi đồng vốn rất khó lựa chọn mô hình sản xuất.

“Thời giá hiện nay, 8 triệu đồng chỉ mua được dăm con lợn, 4 con dê. Nếu nuôi gà, thả cá cũng được nhưng không phải hộ nào cũng có điều kiện. Đa số các hộ vay vốn muốn mua trâu, bò bởi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhưng số tiền không đủ mua 1 con nghé hay con bê…”.

Theo ông Lường Văn Túng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Búng Lao: “Với 8 triệu đồng vay chương trình hộ DTTS vùng khó khăn thì gần như bà con “phân vân” không biết nuôi, trồng gì. Địa phương cũng chỉ biết đề xuất, kiến nghị lên Ngân hàng CSXH huyện hoặc với cấp ủy, chính quyền…”.

Còn ông Bùi Văn Luyện-Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng đề xuất:  “Là huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a, chúng tôi kiến nghị T.Ư cân nhắc nâng mức vay chương trình hộ đồng bào DTTS vùng khó khăn từ 8 triệu đồng hiện nay lên 15 triệu đồng…”.