Hiện trường vụ đánh bom khủng bố tại sân bay Zaventem ở thủ đô Brussels khiến 14 người chết, khoảng 80 người bị thương
Cả thế giới đã đau buồn cho Paris hồi cuối tháng 11.2015 sau một loạt các vụ tấn công khủng bố của IS khiến 130 người chết. Sự chú ý giờ chuyển sang nước láng giềng Bỉ, đặc biệt là vùng ngoại ô Molenbeek, nơi ở của rất nhiều người Hồi giáo nhập cư. Các quan chức an ninh cho biết đây là nơi những kẻ tấn công đã gặp nhau để chế tạo bom và lên kế hoạch tấn công.
Thứ 6 tuần trước, chính quyền đã bắt giữ nghi phạm cuối cùng trong cuộc tấn công khủng bố Paris, Salah Abdeslam, ở Molenbeek, Bỉ. Các nhà chức trách tin rằng hệ thống IS đánh bom Paris cũng chính là thủ phạm đánh bom ở Bỉ ngày hôm qua, giết chết 34 người và làm bị thương ít nhất 187 người.
Vụ đánh bom thứ 3 liên tiếp tại ga tàu điện ngầm ở Bỉ ngày 22.3, khiến 20 người chết, hơn 100 người bị thương
Nhưng tại sao lại là Bỉ? Tại sao một quốc gia có dân số nhỏ hơn bang New York và nổi tiếng trên toàn thế giới với sô cô la, bia và bánh quế… lại trở thành mảnh đất sinh ra khủng bố khét tiếng nhất châu Âu?
1. Brussels là trung tâm chính trị của châu Âu
Tuy Brussels là một thành phố tương đối nhỏ so với các thủ đô của các quốc gia khác, chỉ hơn 177.000 người (Paris và London có 2,2 triệu và 8,5 triệu dân), đây vẫn là một thành phố nắm nhiều quyền ảnh hưởng. Các trụ sở của Liên minh châu Âu được đặt tại trung tâm thủ đô Brussels, như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang thực hiện rất nhiều các hoạt động quốc tế để chống lại ISIS.
Trụ sở của Liên minh châu Âu EU tại Brussels, Bỉ
2. Cộng đồng Hồi giáo lớn và cô lập
Những người Hồi giáo ở Brussels đang ngày càng bị cô lập so với số dân còn lại. Phải đối mặt với sự kỳ thị từ người dân Bỉ, họ không có việc làm. Việc này dẫn tới sự oán giận đối với sự phát triển của đất nước.
Khoảng 630.000 người Hồi giáo đang sinh sống tại Bỉ - chiếm khoảng 6% dân số. Trong khí đó, tại Mỹ, con số này chỉ là 1% dân số.
Nhiều người Hồi giáo sống cùng nhau tại Molenbeek, Bỉ. Nơi đây có tới 22 nhà thờ Hồi giáo và đã trở nên nổi tiếng như là một nơi khai sinh cho những phần tử thánh chiến.
Theo Pieter van Ostaeyen, một học giả về văn hóa Hồi giáo người Bỉ, đã có 516 người Bỉ tham gia các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria (tính đến tháng 10.2015).
Một buổi cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Al Khalil ở Molenbeek
3. Sự tồn tại của chợ đen vũ khí
Bỉ chính là vùng đất của hến, khoai tây chiên, bánh quế và các loại vũ khí quân sự dễ dàng mua được. Các quan chức an ninh của Mỹ nói với tờ PEOPLE: tại thủ đô Brussels, việc sở hữu vũ khí quân sự rất dễ dàng và rẻ, nhờ có chợ đen. Điều đó có nghĩa là: những người lên kế hoạch tấn công quy mô lớn như thế này không cần phải buôn lậu vũ khí vào đất nước. Mọi vũ khí đã sẵn sàng.
Đất nước này được biết đến như là địa điểm mua súng ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, một quan chức cho biết. Đến năm 2006, điều duy nhất một người cần có để mua vũ khí ở Bỉ là một thẻ ID. Nils Duquet, một chuyên gia vũ khí tại Viện Hòa bình Flemish, nói rằng luật mới về sở hữu súng đã quá muộn để có thể giảm thiểu một lượng vũ khí lớn đang trôi nổi khắp đất nước.
4. Salah Abdeslam vừa bị bắt tại Bỉ
Salah Abdeslam vừa bị bắt giữ thứ 6 tuần trước tại Molenbeek, Bỉ
Có lẽ chất xúc tác rõ ràng nhất cho cuộc tấn công hôm qua chính là việc bắt giữ Salah Abdeslam, nghi phạm sống sót cuối cùng trong cuộc đánh bom Paris kinh hoàng ngày 13.11.2015.Hắn đã bị bắt hôm thứ sáu tuần trước, 18.3, sau một cuộc tấn công ở Molenbeek. Trong việc lên kế hoạch các cuộc tấn công Paris, Abdeslam chịu trách nhiệm cho phần lớn các dịch vụ hậu cần, bao gồm thuê xe hơi, nhà cửa và vận chuyển đồng phạm, các quan chức nói với tờ New York Times.
5. Chính phủ không vững chắc
Chính phủ Bỉ ở trong tình trạng hỗn loạn nhiều hơn các quốc gia khác ở châu Âu. Trong 20 tháng, đất nước này tồn tại mà không có chính phủ, thủ tướng đã từ chức vào tháng 4.2010. Sau đó, không có một sự đa số nào trong quốc hội mới - và những cuộc đàm phán trong suốt năm 2010 và gần hết năm 2011 cũng không đem lại kết quả.
Charles Michel trở thành Thủ tướng Bỉ trẻ nhất từ trước đến nay hồi tháng 10.2014
Chính phủ có thể đã hoạt động lại, nhưng không thể phủ nhận đất này đang chia rẽ rõ rệt. Dân số Bỉ là 11,5 triệu, với 4 ngôn ngữ bản địa chính (Pháp, Hà Lan, Hà Lan – Bỉ, và Đức). Quốc gia này cũng bị chia đôi giữa tầng lớp giàu hơn, nói tiếng Hà Lan-Bỉ ở nửa phía Bắc; và tầng lớp lao động ở nửa phía Nam nói tiếng Pháp. Chính phủ Bỉ có lẽ đã quá bận bịu với những mối quan tâm khác, để có thể đối phó với sự gia tăng số lượng phần tử IS trong nước, một số nhà phê bình nói.