Thống đốc Nguyễn Văn Bình tham quan một dự ánđược vay vốn thí điểm theo Nghị quyết 14.
Sáng nay, ngày 24.3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội Nghị ”đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thống đốc Bình cho hay lãi suất thiết kế cho doanh nghiệp và người dân tham gia chương trình thí điểm này là lãi suất tối đa, có nghĩa là ngân hàng không được cho vay quá so với mức lãi suất quy định là 5%/năm. ”Tôi vẫn khuyến khích các ngân hàng có thể mở rộng cho vay với lãi suất thấp hơn được thì cho vay, cái này là tự nguyện. Còn nếu để lãi suất cho vay thấp quá, ngân hàng không cho vay được vì họ không có nguồn vốn đầu vào rẻ thế.
Quan trọng là lãi suất thấp để đảm bảo hiệu quả hơn và bước đầu phải có sự hỗ trợ, người dân và doanh nghiệp có vốn để lưu động, vận hành hoạt động. Về lâu về dài sản xuất tốt hơn, hiệu quả hơn thì lãi suất không còn quan trọng nữa”, Thống đốc Bình chia sẻ.
Về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, ông Bình thừa nhận có nhiều bất cập. Tuy nhiên vẫn phải kiên trì tháo gỡ để người dân bớt rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm cũng sống được.
Tuy vậy, Thống đốc Bình khẳng định vẫn phải triển khai và đã kiến nghị với bộ Tài chính nghiên cứu thực hiện nhưng đến nay vẫn không có ai làm cả, đợi thế thì lâu quá.
Với tình hình thực tế, Thống đốc Bình chỉ đạo Agribank cho vay dự án nào thì cho công ty bảo hiểm của mình vào làm bảo hiểm luôn. ”Cứ trình lên NHNN những dự án đó. Cho vay một cục tiền lớn còn cho vay được, có ít tiền bảo hiểm thì có gì mà không làm được. Còn những ngân hàng khác, nếu có công ty bảo hiểm của mình thì đưa vào, còn không có thì phối hợp với Agrinbank để thực hiện triển khai”, Thống đốc Bình chỉ đạo.
Nhấn mạnh tại Hội nghị, Thống đốc Bình khẳng định về lâu về dài cần phải có cơ chế bảo hiểm chung cho nông nghiệp, để có cơ chế bảo hiểm cho người dân, tránh rủi ro cho ngân hàng.
Còn các vấn đề về hợp đồng liên kết, đặc biệt là giữa người nông dân và hợp tác xã, Thống đốc Bình đề nghị Chính quyền địa phương tham gia tích cực, vì ở đây đều có đầy đủ các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, hội đồng nhân dân. Những hợp đồng kinh tế là văn kiện pháp lý, được pháp luật bảo vệ, vì vậy chính quyền địa phương cần phải tham gia. Qua đó nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
”Nếu được mùa được giá doanh nghiệp và người dân đều được hưởng, còn nếu không được giá thì cứ làm theo hợp đồng. Vì vậy, việc soạn thảo và làm hợp đồng với nông dân cần có sự tham gia của lãnh đạo địa phương để hợp đồng theo tiêu chuẩn. Tôi không mong một sáng thức dậy là mọi thứ đi vào kỷ cương ngay, nhưng cứ phải có đi thì mới có đến và một ngày sẽ đạt được tiêu chuẩn pháp lý”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Thống đốc Bình cũng thừa nhận hiện nay cái yếu nhất của chúng ta là sự phối hợp của các bộ ngành. ”Mình thấy rõ yếu điểm của bộ ngành mình và ngành ”hàng xóm” nhưng lại khó ngồi lại với nhau để bàn xem mình làm gì, bạn làm gì để triển khai cho hiệu quả thì không làm được. Mà thực tiễn cuộc sống cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.