Quyết định vội vàng của tỉnh
Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 10ha đất nông nghiệp cho Tập đoàn FLC làm khu nghỉ dưỡng là đúng hay sai, thưa ông?
FLC tự ý khởi công giai đoạn 2 một cách rầm rộ. Ảnh: I.T
- Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được quy định rất cụ thể tại Luật Đất đai và Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Để xác định việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 10ha đất nông nghiệp cho Tập đoàn FLC làm khu nghỉ dưỡng như báo phản ánh đã đúng quy định của pháp luật hay chưa phải có nhiều thông tin nữa. Nhưng từ những sai phạm hiện hữu của FLC mà NTNN phản ánh cho thấy việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định 164/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch là vội vàng, hợp lý hóa cho những sai phạm của FLC. Việc làm này sẽ tạo nên tiền lệ xấu.
FLC tự ý triển khai dự án khi chưa được phê duyệt quy hoạch; chưa có quyết định thu hồi đất nhưng vẫn lấy đất của dân để xây dựng công trình kiên cố thì sẽ phải xử lý ra sao?
- Việc FLC tự ý triển khai dự án từ năm 2009 khi chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định của Luật Đất đai; vi phạm trình tự, thủ tục đầu tư dự án. Theo quy định của pháp luật, dự án phải thực hiện qua nhiều bước, đầu tiên là thỏa thuận địa điểm đầu tư hoặc đề nghị UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương đầu tư, sau khi UBND tỉnh ra quyết định (QĐ) chấp thuận về nguyên tắc cho thực hiện thì chủ đầu tư phải lập hồ sơ đăng ký đầu tư gửi Sở KHĐT, cấp GCNĐK ĐT…rồi UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng…Việc xây dựng chỉ được tiến hành khi có giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Nhưng FLC đã thực hiện một quy trình ngược, lấy đất của dân tự ý xây dựng trước khi có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền là một sai phạm nghiêm trọng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật như rút giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt thực hiện dự án, xử phạt hành chính…
Phê duyệt là vi phạm
Theo văn bản của Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc thì dự án giai đoạn 2 của FLC Vĩnh Thịnh Resort có một phần diện tích trong phạm vi đê, hành lang bảo vệ đê, và một số công trình thủy lợi, dân sinh; dự án chồng dự án. Luật sư đánh giá thế nào về dự án này?
- Khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều quy rõ hành vi bị nghiêm cấm: “Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt”. Việc sử dụng hành lang bảo vệ đê điều (Điều 29); xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều (Điều 28) hoặc ngay như nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều (khoản h, Điều 25)… cũng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt theo quy định tại luật này.
FLC đã thực hiện một quy trình ngược. Đây là một sai phạm nghiêm trọng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật như rút giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt thực hiện dự án , xử phạt hành chính... Luật sư Nguyễn Anh Tuấn |
Việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều được quy định rõ tại Điều 46 Luật Đê điều. Theo đó người nào vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; tổ chức vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Do đó nếu dự án này mà được phê duyệt là vi phạm.
Việc bảo vệ công trình thủy lợi được quy định rất rõ tại Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10. Trong đó Điều 25 của Pháp lệnh này quy định cụ thể phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xây dựng công trình mới trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi chỉ được tiến hành khi có giấy phép (khoản 1, Điều 26 Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10).
Cảm ơn luật sư!
Luật sư Trần Thị Thúy - Công ty Luật Hợp Danh Thái Bình Dương: Việc ông Trịnh Hồng Quý - Giám đốc Công ty CP Trang trại Nông sản Quý Giáp (bố đẻ ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC) xin đầu tư dự án chăn nuôi lợn tại xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) với tổng diện tích 7,3ha (đất giao 4,2ha thuê của nông dân 3,1ha đất ruộng), đến tháng 12.2013, cam kết thanh lý hợp đồng và bàn giao đất ruộng lại cho nông dân; nhưng năm 2009, ông Quý đã tự ý chuyển nhượng số diện tích trên cho Công ty CP FLC Travel của ông Trịnh Văn Quyết (dù không được người dân đồng ý - PV) là sai. Quyền, nghĩa vụ của bên cho thuê và bên thuê quyền sử dụng đất được quy định rất rõ từ Điều 705 đến Điều 798 Bộ luật Dân sự. Căn cứ vào quy định này, việc ông Quý không trả lại đất cho bên cho thuê như báo phản ánh là vi phạm hợp đồng, người dân có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu trả lại đất và bồi thường thiệt hại (nếu có). Ở đây, ông Quý thuê đất của người dân. Ông Quý không được cấp giấy chứng nhận đối với diện tích đất nói trên. Do đó, ông Quý không có quyền chuyển nhượng diện tích đất thuê trên cho bất kỳ một cá nhân, tổ chức khác. Vì vậy, khi có tranh chấp, hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên giữa ông Quý và Công ty CP FLC Travel sẽ bị vô hiệu toàn bộ. Điều 691 Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác sử dụng đất được pháp luật cho phép chuyển quyền sử dụng đất mới có quyền chuyển quyền sử dụng đất”. Mặt khác theo Điều 168 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền này khi có giấy chứng nhận. Chiên Lê (ghi) |
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Trưởng Ban Xã hội, T.Ư Hội NDVN: Lấy đất của dân là sai FLC thuê đất của dân đến năm 2013, không trả, chuyển đổi quyền sử dụng đất là sai. Đưa nông dân vào đói nghèo, sai chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu FLC có lấy đất thì nên lấy ở những thửa ruộng cằn cỗi, canh tác kém hiệu quả và phải được sự đồng ý của dân. Ngay cả khi đó, FLC vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho dân. Cho con em những hộ nông dân mất đất vào FLC làm việc, phải đảm bảo đồng lương tốt nhất. Đặc biệt, người nông dân phải có cổ phần trong doanh nghiệp. Bạn đọc Lê Ngọc Dũng (Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc): Chính quyền thiếu trách nhiệm Việc làm sai trái của FLC cho thấy sự thiếu trách nhiệm cả một hệ thống quản lý từ tỉnh xuống huyện. Đặc biệt là lãnh đạo và các cơ quan quản lý về đất đai, nông nghiệp, môi trường, kế hoạch đầu tư... của Vĩnh Phúc. Câu hỏi được đặt ra ở đây tại sao một diện tích đất nông nghiệp rộng đến hàng hécta mà FLC chuyển đổi và đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng resort dễ dàng đến như vậy? Đằng sau Quyết định 164/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án này là gì? Do thiếu trách nhiệm, do quản lý yếu kém, hay do FLC cậy có “ô” che chắn nên làm liều? Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc sớm làm rõ. Bạn đọc Trần Hòa Bình (huyện Đông Anh, Hà Nội): Phải giải thích thỏa đáng với dân Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp của nông dân ngày càng bị thu hẹp một cách đáng báo động. Phần lớn những diện tích thu hồi được chuyển giao cho các doanh nghiệp làm dự án xây dựng hạ tầng sản xuất, kinh doanh nhưng hiệu quả đóng góp cho ngân sách xã hội không nhiều mà chủ yếu chỉ có lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư. Chưa nói đến việc thu hồi đất nông nghiệp của bà con nông dân xong để giữ đất, trao đổi buôn bán ăn giá chênh lệch, chia chác và rồi bỏ hoang. Hệ lụy của việc thu hồi đất của nông dân để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với các vùng thôn quê hiện nay: Người dân nhận được số tiền ít ỏi để rồi mất đất sản xuất, không việc làm… Đừng để thêm một vụ việc như tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá nữa. Trong vụ việc FLC Vĩnh Thịnh, tỉnh Vĩnh Phúc phải có câu trả lời thỏa đáng trước dân. Minh Quang - Tống Hương (ghi) |