Trong lúc dư luận liên tiếp đặt dấu hỏi trước những dấu hiệu bất thường trong thương vụ “góp vốn thành lập hãng hàng không” giữa Vietnam Airlines và ngân hàng thì “người trong cuộc” cũng như cơ quan quản lý nhà nước lại im lặng một cách khó hiểu.
“Quyết tái cơ cấu Vasco trước giờ G”?
Đề xuất của Vietnam Airlines (VNA) về việc thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở tái cơ cấu Vasco (đơn vị đang trong quá trình chuẩn bị chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Bay dịch vụ hàng không) đang vấp phải dư luận trái chiều.
Việc thương hiệu, tài sản của Vasco không được định giá và bán công khai, minh bạch với các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo tài sản hiện hữu của Nhà nước tại Vasco (máy bay, mạng bay, thương hiệu) được sử dụng và định giá đúng mức, đồng thời chọn được nhà đầu tư phù hợp nhất làm dấy lên lo ngại thất thoát tài sản nhà nước, thậm chí lên tới hàng trăm triệu USD.
Tuy nhiên, bất chấp dư luận cũng như những cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, luật pháp, dường như VNA vẫn quyết thực hiện việc tái cơ cấu khác thường này.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 22/3/2016, VNA dẫn công văn từ hơn 10 năm trước của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 1567/2007) làm căn cứ và cho rằng Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương cho phép VNA thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại Vasco với sự tham gia của các cổ đông khác.
Trên cơ sở văn bản này, VNA cho biết đang triển khai thực hiện các thủ tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập hãng hàng không cổ phần và lựa chọn cổ đông tham gia sáng lập là Ngân hàng Techcocmbank. Trong văn bản, VNA dường như cố tình lờ đi việc định giá Vasco không thông qua các bước của cổ phần hoá theo đúng quy định của Nhà nước, không đấu giá công khai và vốn điều lệ tối thiểu chỉ 300 tỷ đồng trong khi VNA báo cáo Vasco đang hoạt động tốt và nhiều lợi thế.
Một nguồn tin của PLVN cho biết, VNA và đối tác đang nỗ lực đẩy nhanh việc cấp phép để hãng hàng không mới này ra đời với tên gọi SkyViet.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng đã ký Văn bản số 352/2016 phê duyệt chủ trương sắp xếp Vasco thành hãng hàng không mới bằng hình thức các cổ đông góp vốn; giao Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn, hỗ trợ VNA thực hiện việc lập hồ sơ xin cấp phép, thẩm định hồ sơ đủ điều kiện để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và Giấy phép kinh doanh hàng không chung.
Thậm chí, được biết hồ sơ cấp phép của Vasco - SkyViet có nhiều điểm không phù hợp với Luật Hàng không như tàu thuê là tàu ướt (tàu kèm tổ bay) trong khi quy định phải là tàu khô (không kèm tổ bay). Việc thành lập hãng hàng không mới phải có sự chấp thuận của Thủ tướng nhưng Bộ GTVT vẫn chưa báo cáo Thủ tướng trong khi việc cấp phép dường như đã được “rợp rạp” sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2016.
Văn bản số 2336 của VNA cho biết sẽ hãng hàng không Vasco - SkyViet dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý 2/2016 với phương án kinh doanh dựa trên 5 tàu bay sẵn có, với số giờ bay trung bình cho cả 5 tàu bay đến 4 điểm bay nói trên cỡ khoảng 187 giờ bay/tàu/tháng.
“Người trong cuộc im lặng, né tránh”
Để làm rõ thêm những bất thường trong “thương vụ” này cũng như thông tin về việc cấp phép cho Vasco - SkyViet, sáng ngày 23/3/2016, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt tại trụ sở của Cục Hàng không Việt Nam để liên hệ tham dự cuộc họp giữa đơn vị này với Vasco.
Khi phóng viên tiếp cận đến phòng họp thì bị từ chối bởi lý do đây là cuộc họp kín giữa Cục Hàng không và phía doanh nghiệp. Phóng viên đã liên hệ với ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam để có câu trả lời liên quan đến vụ việc này nhưng ông Cường cũng từ chối và hẹn lịch làm việc sang tuần sau.
“Sáng nay là cuộc họp kín giữa Cục Hàng không và đơn vị doanh nghiệp, trong cuộc họp này có một số vấn đề báo cáo là bí mật của doanh nghiệp nên không thể cho phóng viên báo chí tham dự được, anh thông cảm!”, ông Cường chia sẻ.
Sáng 24/3, phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Thái Trung- Giám đốc Công ty Bay dịch vụ Hàng không (Vasco), người “chấp bút” đề án này. Khi phóng viên vừa đề cập đến nội dung đặt lịch phỏng vấn liên quan đến vụ việc trên, ông Trung từ chối ngay: “Tôi đang họp, có gì tôi sẽ đặt lịch với anh sau”.
Phóng viên cũng liên lạc với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, người ký phê duyệt “đề xuất lạ” của VNA trong thương vụ này, song không liên lạc được.
Sự im lặng của “những người trong cuộc” phải chăng để đẩy “thương vụ” bất thường trên vào thế “sự đã rồi”, bỏ qua những phát hiện của báo chí cũng như những cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, pháp luật về nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước?
PLVN đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ và công khai để dư luận được biết, đồng thời có biện pháp ngăn ngừa kịp thời, đảm bảo sự công minh của pháp luật cũng như sự bình đẳng, lành mạnh của môi trường kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh đặc thù như hàng không.
Giải trình của VNA “lộ” Techcombank đầu tư ngoài ngành? Trao đổi với PLVN, đại diện truyền thông của Techcombank lý giải không phải ngân hàng này đầu tư ngoài ngành với tỷ lệ 49% mà là công ty quản lý vốn tham gia. Tuy nhiên, trong các đề án của VNA cũng như thông cáo báo chí chính thức của đơn vị này lại luôn khẳng định cổ đông tham gia sáng lập hãng hàng không Vasco- SkyViet là Ngân hàng Techcombank. Techcombank nắm giữ 49% vốn điều lệ của hãng hàng không mới và góp vốn bằng tiền mặt. Được biết, trước đây, Ngân hàng Ẽimbank cũng từng xin đầu tư vào hàng không với tỷ lệ góp vốn 11% song ngân hàng Nhà nước không chấp thuận. Lẽ nào Techcombank lại là một ngoại lệ? |