Bác sĩ, bệnh nhân phải lấy nước ở bể dự trữ Bệnh viện 198, sau vụ vỡ đường ống nước sông Đà 1 tháng 9.2015
Mới đây, Công ty Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã công bố thông tin về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước Sông Đà, giai đoạn 2. Theo đó, Viwasupco đã lựa chọn đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) với giá bỏ thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.
Dự án đường ống nước sông Đà số 2 cung cấp nước cho 3,6 triệu người tại 21 quận, huyện của Hà Nội. Trong đó gói thầu cung cấp ống gang dẻo là gói thầu quan trọng nhất, quyết định đến thành công và hoạt động ổn định của dự án.
Thông tin một doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu dự án cung cấp đường ống nước sông Đà 2 khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng đường ống và tiến độ công trình.
Báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), đơn vị thẩm định hồ sơ đấu thầu dự án đường ống nước sông Đà 2 cũng đưa ra một số quan ngại về chất lượng ống gang dẻo của đơn vị này.
Các chuyên gia vật liệu xây dựng của Việt Nam chưa tin tưởng vào sản phẩm ống gang dẻo của nhà thầu Trung Quốc (Ảnh minh họa: XinXing)
Nhận định về chất liệu gang dẻo, TS Đoàn Đình Phương, Phó viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho hay, ống gang dẻo hay còn gọi ống gang cầu là vật liệu phổ biến trong sản xuất ống nước trên thế giới. Ống gang dẻo giá thành thấp, độ bền cao, có thể vận hành khoảng 50 năm dưới lòng đất.
“Nhưng với nhà thầu Trung Quốc, trong một số dự án tại Việt Nam, họ thường không giữ uy tín hợp đồng, cam kết chất lượng sản phẩm. Vì vậy, chúng ta cần có cơ quan kiểm định độc lập của Việt Nam, kiểm nghiệm ngay tại chân công trường. Thậm chí, chúng ta phải kiểm tra từng ống của nhà thầu Trung Quốc”, ông Phương nói.
Trước ý lo lắng về công nghệ gang dẻo có thể chứa chất có hại cho sức khỏe như hàm lượng chì, chất phóng xạ… TS Phương giải thích, nguyên tắc sản xuất ống gang dẻo rất kỵ chất chì, crôm vì nó sẽ phá vỡ cấu trúc của ống.
“Tôi hiểu tâm lý chung của người dân nhưng chúng ta không nên lo lắng quá. Trường hợp, nhà sản xuất cố tình đưa chì, chất độc khác vào ống thì cơ quan kiểm định của Việt Nam đủ thiết bị, năng lực để kiểm tra thành phần, cấu trúc, phát hiện chất độc hại”, ông Phương nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng bày tỏ lo ngại về tiến độ, khả năng công trình đội vốn.
“Chọn nhà thầu Trung Quốc, chủ đầu tư Vinaconex phải lấy Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông làm bài học xương máu về chất lượng, thời hạn, đội vốn quá cao. Đường ống nước sông Đà 2 gắn với sinh hoạt của hàng triệu người dân Thủ đô nên phải đặc biệt thận trọng. Tôi nghĩ cần quy trách nhiệm ngay từ đầu, kiểm định hết sức nghiêm ngặt”, ông Hùng nói.
Đường ống dẫn nước sông Đà số 2 được khởi công ngày 7.10.2015, có tổng chiều dài 46,7km, với công suất khoảng từ 60.000-70.000m3/ngày đêm. Tổng nguồn vốn đầu tư dự án đường ống nước sạch sông Đà số 2 bằng ống gang dẻo là gần 5.000 tỉ đồng, diện tích khu vực cấp nước là 1.390km2.
Được đưa vào vận hành từ năm 2009, tính đến ngày 31.12.2015, đường ống nước sông Đà 1 đã gặp đến sự cố lần thứ 17. Liên quan đến vụ việc, ngày 3.2.2016, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 9 bị can về tội “vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex). |