Dân Việt

Tung tin đồn bắt cóc trẻ em – có thể bị phạt tù

Hoàng An 26/03/2016 13:00 GMT+7
Nhiều ngày nay, trên mạng xã hội tràn lan thông tin cảnh báo nạn bắt cóc trẻ con. Thực hư chuyện này thế nào, bắt nguồn từ đâu?

“Bắt cóc” nhiều thế?

Chiều 18.3, trên một số báo mạng thông tin chị N.T.B.H (35 tuổi), đang đi trên đường Âu Cơ thì có 2 thanh niên lưu thông bằng xe máy giả vờ hỏi đường. Sau đó thanh niên ngồi sau nhảy xuống giằng cháu H.T.N (5 tuổi, con chị H). Khi chị H. la toáng lên, 2 thanh niên bỏ chạy, sau đó vụ việc được báo cho Công an phường 14, quận Tân Bình – TP.HCM.

Trong lúc sự việc chưa rõ đen, trắng thì bắt đầu từ chiều 21.3, trên facebook, nickface N.V.N đưa nội dung con trai người này “xém” bị bắt cóc vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 21.3. Theo nickface N.V.N, sau khi con của N.V.N được bà ngoại đón từ trường mầm non về đến đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), thì bị một đôi nam nữ chặn đầu xe tại đoạn trước chùa Xá Lợi để lu loa va quẹt xe nhằm lợi dụng “bà ngoại” cháu bé mất cảnh giác thì “bắt cóc”! Khi “bà ngoại” cháu bé la toáng lên “Bớ người ta, bắt cóc con nít”, đôi nam nữ lập tức lên xe bỏ đi, toàn bộ diễn biến chỉ xảy ra trong khoảng 1 phút...”. Trước khi kết thúc câu chuyện của mình, nickface N.V.N cũng không quên căn dặn: “Cần cẩn thận khi con em mình ra ngoài đường, cần để ý khi bé chạy chơi xung quanh, nên có biện pháp bảo hộ khi chở con trên đường, nếu có thể thì thu xếp thời gian các bố đi đón con, đừng để người già và phụ nữ tay yếu đón bé… Mong các anh chị em, các bạn cẩn thận với con em mình”.

img

Từ vụ “giằng đứa trẻ” nhưng bị đẩy thành… bắt cóc!

Tiếp đến, vào trưa ngày 22.3, nickface L.K.N cũng kể việc “tận mắt chứng kiến” tại vòng xoay trên đường Ba Tháng Hai - Tạ Uyên (Q.11), có hai người đàn ông chở một bé trai, bé trai này vừa khóc vừa liên tục gọi “mẹ ơi, mẹ ơi”. Nghi ngờ bắt cóc trẻ em nên vợ chồng L.K.N và một người đi đường chặn lại, bắt họ dắt xe vô lề (!?). “Người đàn ông điều khiển xe nói đó là con của người ngồi sau, vợ chồng ly dị. Bọn mình và bác kia kêu vô lề đường nói chuyện, thì 2 người đàn ông hăm doạ mình. Người dân thấy đông bao vây lại kéo vô lề, thì bọn mình kêu người đi báo công an:, L.K.N chia sẻ.

“Mình nói to cho mọi người cảnh giác vì ai cũng thấy bất thường, ngay sau đó có một anh “nhà báo” đến, mình nhờ anh ấy áp sát đối tượng để chờ người đi báo công an. Sau đó công an tới thì bọn mình đi, bác kia ở lại. Mình bàn giao cho mấy anh công ty làm đường canh chừng người lái xe máy, và giữ chiếc xe máy đó lại...; Cháu bé trai khoảng 4-5 tuổi mặc quần màu rêu, áo cam, nón màu rêu, giày da rọ. Cầu mong không phải bắt cóc”, nickface L.K.N kết thúc câu chuyện!

Phạt tiền và tù nếu tung tin thất thiệt

Sáng 24.3, Đại úy Nguyễn Mai Hoàng Sơn, Đội trưởng Đội Tham mưu Công  an quận Tân Bình, cho biết sau khi xác minh cho thấy địa bàn xảy ra vụ việc như người phụ nữ trình báo nằm ở phường Tân Sơn Nhì (Q. Tân Phú) nên chúng tôi đã bàn giao vụ việc để quận Tân Phú điều tra theo thẩm quyền. Vụ việc thực chất không phải bắt cóc như một số tờ báo giật tít nhằm câu view. Còn Trung tá Nguyễn Quang Thắng, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, khẳng định ngoài vụ việc như chị H. trình báo, trên địa bàn TP.HCM hoàn toàn không có vụ bắt cóc nào xảy ra đầu năm 2016 cho đến nay.

Như vậy có thể khẳng định, những vụ “bắt cóc” nêu trên chỉ là những tin đồn thất thiệt không nằm ngoài mục đích gây bất an cho người dân, gây rối loạn xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, khẳng định: “Hành vi tung tin đồn thất thiệt là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Về xử lý hành chính, theo luật sư Hậu tại điểm a khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, thì hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng (nếu đối tượng vi phạm là tổ chức); phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng (nếu đối tượng vi phạm là cá nhân). Đồng thời, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm.

“Còn về xử lý hình sự, nếu người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 88 (tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam) và điều 253 (tội Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy) nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 226 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 36 tháng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm”, luật sư Hậu, khẳng định.