Tác động lan tỏa
Xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc có diện tích lúa nước lớn. Tuy nhiên trước năm 2010 năng suất lúa chỉ đạt 40 tạ/ha, ND không có lãi. Năm 2012, mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu được Hội ND tỉnh triển khai tại xã đã làm thay đổi tập tục canh tác của người dân nơi đây khi cho năng suất lúa lên tới 70 tạ/ha. Từ một chiếc máy nén phân được đầu tư ban đầu, nay cả xã đã có tới 4 chiếc, không chỉ phục vụ cho ND địa phương mà sang cả các xã lân cận.
Hội ND tỉnh Thanh Hóa trao tặng bò cho các hộ hội viên nghèo xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát. Ảnh: H.Đ
Ông Hoàng Văn Lưu-Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, hiện hội viên, ND ở 11 huyện miền núi đều đã áp dụng kỹ thuật canh tác lúa bằng phương pháp sử dụng phân viên dúi sâu.
“Việc hội viên, ND xin rút khỏi diện hộ nghèo đã trở nên phổ biến, thể hiện tính tự lực, tự cường, lòng tự trọng, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đó là một kết quả phấn khởi có sự tham gia của các chương trình, dự án, mô hình do Hội ND các cấp thực hiện trong những năm qua”. Ông Hoàng Văn Lưu-Chủ tịch Hội ND Thanh Hóa |
Tại huyện Mường Lát, vào đầu năm 2014, Hội ND tỉnh đã huy động các nguồn lực đóng góp được 240 triệu đồng để hỗ trợ người dân bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn 17 con bò sinh sản. Hội cử cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn bà con từ trồng cỏ, dự trữ thức ăn, cách phòng chống các bệnh thông thường…
Đến nay, đàn bò đã sinh sản và nhân đàn lên được 30 con. Đặc biệt, đa số bà con ND ở xã này đã học hỏi kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi bò sinh sản của các hộ được tặng bò…
Xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn vốn có đồi rừng để phát triển nuôi dê. Trước đây bà con chăn nuôi thiếu kiến thức nên dê hay chết. Để khắc phục, tháng 6.2014, Hội ND tỉnh đầu tư 148 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi dê. Ban đầu 10 hộ được chọn để hỗ trợ dê. Các hộ này ở xen lẫn với các gia đình đã và đang nuôi dê tại địa phương. Khi Hội tổ chức tập huấn, thực hiện mô hình họ cũng được mời tham gia hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Sau 6 tháng, đàn dê của mô hình đã sinh sản tăng gấp đôi.
Nắm bắt nhu cầu của hội viên
Ông Hoàng Văn Lưu chia sẻ: Để xây dựng các mô hình có hiệu quả, các cấp hội khoanh vùng, tìm hiểu nguyên nhân ND nghèo hoặc thất bại, từ đó đưa ra giải pháp, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Đối với hội viên miền núi, nguyên nhân của kinh tế chậm phát triển là do sản xuất lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Vì vậy, cần xây dựng các mô hình sản xuất cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương như thâm canh lúa, cây lâm nghiệp, nuôi gà, thỏ, dê, trâu, bò…
Tại các huyện đồng bằng, ven biển, Hội ND tỉnh đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp, nhà khoa học để hội viên tiếp cận với các nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, kênh kiến thức, xây dựng các mô hình điểm sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa… Bình quân mỗi năm Hội ND các cấp tỉnh Thanh Hóa trực tiếp và phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các nhà khoa học mở 2.500 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 300.000 lượt hội viên, ND. Mỗi chi hội, 1 năm giúp thoát nghèo từ 1 đến 2 hộ hội viên với quan điểm “giúp hộ nghèo có địa chỉ”.