Dân Việt

"Vua trang trại" bạc tỷ ở Đô Lương

Thu Hương 29/03/2016 09:41 GMT+7
Đó là ông Đặng Anh Tuấn, 60 tuổi, ở thôn 6 xã Xuân Sơn, người dân địa phương thường gọi ông là "vua trang trại". Với sự cần cù, chịu khó, ông đã “biến” vùng đất hoang hóa khô cằn thành trang trại đa canh với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Khó không chùn bước

Từ Thị trấn Đô Lương (Nghệ An) xuôi đường Nam Đàn gần chục km chúng tôi đến trang trại của ông Tuấn. Trong ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi nằm giữa diện tích 15,5 ha gồm: bạch đàn, khu chăn nuôi lợn, ao cá, cây ăn quả... ông Tuấn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời ông từ khi chia tay mảnh đất Hậu Giang năm 1995 để trở về quê hương Xuân Sơn lập nghiệp.

img

Trang trại lợn của ông Tuấn với 3 mặt hàng: lợn giống nuôi thịt; lợn nái hậu bị và lợn đực hậu bị. Thị trường tiêu thụ 3 tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Doanh thu từ mô hình chăn nuôi lợn 1 năm 13 tỷ đồng.

Bố mẹ ông quê ở Xuân Sơn nhưng sinh ông ra ở đất Bắc và sự nghiệp của ông lại bắt đầu ở tỉnh Hậu Giang. Khi còn là cán bộ Sở TDTT Hậu Giang, trong ông đã rất đam mê trồng cây ăn quả. Cứ mỗi lần đi công tác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ ông đều nán lại thăm các mô hình cây trái. Năm 1995, ông cùng vợ con trở về quê hương Xuân Sơn, việc đầu tiên ông thực hiện đó là trồng cây ăn quả.

Ông mạnh dạn  nhận 15, 5 ha đất cằn cỗi, sỏi đá (đất mua 50 năm) để biến ước mơ: trong thời gian không xa nơi đây sẽ là vườn cây um tùm hoa trái quanh năm. Ông lặn lội ra huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên lấy giống nhãn, vải, cam. Cùng thời điểm trồng 4 ha cây ăn quả ông mạnh dạn trồng 7 ha bạch đàn đào 1 ha ao thả cá. Bao vốn liếng tích góp khi còn công tác ở Hậu Giang ông đầu tư vào trang trại và nuôi 8 công nhân.

Sau 1 năm khai hoang vỡ đất và 3 năm trồng cây ăn quả, ông Tuấn phát hiện ra cây cam không hợp với đất thổ nhượng, cứ ra quả đều bị nứt. Ước mơ biến vùng đất hoang hóa thành vùng cây trái không thành nhưng không vì thế mà ông nhùn chí.

Ông bàn với vợ: "Mình sẽ chuyển sang nuôi gà". Đầu năm 1998 ông được Ngân hàng Đầu tư huyện Đô Lương cho vay 35 triệu đồng, ông lại lặn lội ra tỉnh Nam Định mua giống gà Cabia về nuôi. Lúc bấy giờ ông đã nắm bắt được rất rõ các huyện: Đô Lương, Tân Kỳ, Con Cuông, Thanh Chương ... chưa có các lò ấp gà lớn nên ông đầu tư vào lĩnh vực này và rất thành công. Năm 2000 có thể gọi là năm đỉnh điểm của ông.

Trừ các khoản chi phí, lương công nhân, ông thu về 300 - 400 trăm triệu đồng. Có tiền từ ấp gà và nuôi gà thịt mang lại; tiền từ ao cá; bạch đàn ông tái đầu tư vào chăn nuôi gà với  quy mô lớn. Với 1 lò ấp gà ban đầu năm 1998 thì đến năm 2000 tăng lên 8 lò. Ông cung cấp gà giống và gà thịt cho các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Hàng chục người dân địa phương được ông tạo công ăn việc làm với mức lương ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/ tháng.

Nhưng một lần nữa may mắn lại không đến với ông  khi năm 2003 dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát khiến ông trở tay không kịp, hàng tỷ đồng đầu tư vào trang trại gà trong phút chốc tuột khỏi tầm tay.

img

Trang trại ông Tuấn đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 14 công nhân với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

"Vua" trang trại

"Dường như ông trời muốn thử thách lòng kiên trì của mình thì phải?" trong lúc cơ hàn nhất, nghèo túng nhất ông vẫn tự động viên mình vững tâm và tin vào ngày mai. Trong nhà có vật dụng gì có giá trị là ông đem bán hết, xe máy cũng bán, chỉ để lại chiếc xe đạp cũ để đi. Cũng may năm 2004 một số bạch đàn tiếp tục cho thu hoạch, ông Tuấn chặt bán và trả hết nợ cho ngân hàng đồng thời làm đơn vay thêm 87 triệu đồng để đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn.

Hướng đi lần này của ông là vừa cung cấp lợn thịt vừa cung cấp lợn giống. Ông lại lặn lội ra Viện chăn nuôi mua giống. Ở đây ông gặp lại bạn bè là các nhà khoa học đầu ngành, cán bộ Viện chăn nuôi, giáo viên dạy trường đại học Nông nghiệp tận tình giúp đỡ như tiếp cho ông sức mạnh niềm tin. Ông vừa làm vừa học hỏi, làm đến đâu hỏi đến đó, thường xuyên cập nhật thông tin với các nhà khoa học bằng nhiều cách, lúc thì ông ra Hà Nội, lúc ông vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông còn được cùng bạn bè đi tham quan các mô hình chăn nuôi ở nước Nhật, Thái Lan để áp dụng vào trang trại của mình. Từ sự chịu khó học hỏi, chỉ trong vòng 2 năm ông đã đứng vừng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

img

Thanh long ruột đỏ đang được trồng tại trang trại của ông Tuấn.

Từ 1 tỷ đồng đầu tư vào trang trại lúc ban đầu đến nay trang trại lợn của ông Tuấn có tổng đầu tư 13 tỷ đồng. Trang trại lợn của ông Tuấn với 3 mặt hàng: lợn giống nuôi thịt; lợn nái hậu bị và lợn đực hậu bị. Thị trường tiêu thụ 3 tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Doanh thu từ mô hình chăn nuôi lợn 1 năm 13 tỷ đồng.

Khá thành công trên con đường chăn nuôi lợn nhưng ông Tuấn vẫn chưa từ bỏ đam mê biến đồi đất hoang hóa năm xưa thành vườn cây ăn quả. Ông chia sẻ: hiện đang đầu tư thêm 4 ha cây ăn quả gồm: thanh long ruột đỏ giống H14, một cây cho 50 - 60 quả/ năm, mỗi quả bình quân 1 kg; na không hạt giống Thái Lan, từ khi trồng đến lúc thu hoạch hơn 2 năm, 1 quả 7 lượng đến 1kg ; bưởi 5 roi và bưởi da xanh. Lần này ông được sự giúp đỡ của bạn bè là các nhà khoa học đầu ngành tư vấn; đã nghiên cứu rất kỹ về chất đất, khí hậu để phù hợp với các giống cây này.

Kinh phí đầu tư 4 ha cây ăn quả  khoảng 1 tỷ đồng, trong đó gần 200 triệu đồng đầu tư vào các máy tưới tự động.

Cùng với làm giàu bạc tỷ mỗi năm cho gia đình, trang trại ông Tuấn đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 14 công nhân với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện trang trại của ông có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất huyện. Điều mang lại thành công trong cách làm kinh tế trang trại của ông là dám nghĩ dám làm, có quyết tâm, có tìm tòi, nghiên cứu và không sợ thất bại.