Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines.
Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) có trụ sở tại 28 Phan Thúc Duyện, Phường 4, quận Tân Bình, TP HCM, được thành lập vào tháng 4 năm 2010 với mục tiêu cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa cho nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là dịch vụ air taxi bằng các loại máy bay nhỏ dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu nhanh chóng.
Theo thông tin từ website của công ty, Vietstar Airlines là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng.
Vietstar Airlines sẽ là đối thủ cạnh tranh với Vietnam Airlines, Vietjet?
Đây là lý do mà song song với kinh doanh dân dụng, công ty còn phục vụ cho cả quân dụng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát.
Vietstar Airlines được thành lập từ 3 cổ đông chính là Công ty sửa chữa máy bay A41 (Quân chủng Phòng không - Không quân, Công ty Cổ phần Hàng không Ngôi Sao Việt và Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành với vốn pháp định ban đầu là 400 tỷ đồng.
Vietstar Airlines được cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung, đã hoạt động từ năm 2011 và đang nỗ lực xin được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không từ 2 năm nay.
“Công ty đã xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu gồm logo, biểu tượng riêng phù hợp với hoạt động kinh doanh của Công ty”, ông Phạm Trịnh Phương, Tổng giám đốc Vietstar Airlines cho biết.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015, vốn điều lệ của công ty là 800 tỷ đồng, còn góp của chủ sở hữu là 700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 652.7 tỷ đồng. Tại thời điểm này, công ty còn thiếu 47,3 tỷ đồng so với yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa quy định của pháp luật.
“Cục Hàng không Việt Nam sẽ tạo điều kiện để Vietstar Airlines tham gia khai thác vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế, đồng thời hướng xây dựng 1 hãng hàng không vận chuyển hàng hóa”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến quý I/2016, Việt Nam có 8 hãng hàng không gồm: 4 hãng kinh doanh vận chuyển hàng không (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vasco và Viet Jet Air; 4 hãng hàng không chung là Công ty cổ phần hàng không Bầu Trời Xanh; Công ty cổ phần hàng không Hải Âu; Công ty cổ phần công nghệ Hành Tinh Xanh.
Trong tờ trình phê duyệt Quy hoạch vận chuyển hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định sẽ không cấp thêm giấy phép vận chuyển hàng không trong 4 năm tới.
Hiện Việt Nam chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên biệt. Trước đó, trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, hãng hàng không quốc gia – Vietnam Airlines khẳng định, từ nay đến năm 2020, hãng chưa có kế hoạch đầu tư máy bay chở hàng riêng cũng như chưa có ý định thiết lập các đường bay sử dụng tàu bay chở hàng.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến 31/12/2015, số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 131 chiếc gồm 10 loại, thuộc sở hữu của 6 hãng hàng không. Trong đó, Vietnam Airlines sở hữu đội bay lớn nhất (86 chiếc), trong đó có 51 Airbus321; 10 Airbus330; 3 Airbus350; 7 Boeing 777; 11 ATR27; 4 Boeing 787. Vietjet đứng thứ hai với 25 chiếc, gồm 22 Airbus 320, 3 Airbus 321; Jetstar Pacific đứng thứ ba với 11 chiếc gồm 9 Airbus320 và 2 Airbus 321. Các hãng hàng không còn lại như: VASCO, Hải Âu, Hành Tinh Xanh… mỗi hãng sở hữu từ 2-3 chiếc. |