Những ngày qua, thế giới xôn xao thêm hai sự kiện liên quan đến Trung Quốc: một là Bắc Kinh xác nhận đã khởi công xây căn cứ quân sự tại Djibouti, quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi và hai là Chính phủ Sri Lanka “bật đèn xanh” cho Trung Quốc tiếp tục dự án thành phố cảng trị giá tỉ đô tại thủ đô Colombo.
Thoạt nhìn, Djibouti và Sri Lanka có vẻ không liên quan gì đến nhau, nhưng điểm chung là cả hai đều nằm ở những vị trí chiến lược trên Ấn Độ Dương. Đây cũng chính là đích nhắm của Trung Quốc.
Đổ tiền vào Sri Lanka
Tờ Colombo Gazette của Sri Lanka hôm 29.3 đưa tin Đại sứ quán Trung Quốc ở Sri Lanka đã trao tặng 30 máy tính cho Trung tâm giáo dục Quỹ Surya ở Gampaha. Người đi trao tặng là bà Ngô Tiểu Linh, vợ của đại sứ.
Cũng như ở nhiều nước đang phát triển hoặc nghèo khác mà Bắc Kinh muốn thiết lập quan hệ mật thiết hơn, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc đều tích cực với các hoạt động “lấy lòng” như thế này.
Hai tuần trước đó, Tân Hoa xã đưa tin Chính phủ Sri Lanka vừa “bật đèn xanh” cho một công ty Trung Quốc nối lại dự án thành phố cảng trị giá 1,4 tỉ USD tại thủ đô Colombo.
Đây là một động thái khá bất ngờ bởi dự án này ngay từ đầu vấp phải chỉ trích sẽ gây ảnh hưởng nặng đến môi trường và đã bị tân Tổng thống Maithripala Sirisena bắt dừng lại hồi tháng 3-2015, sáu tháng sau khi bắt đầu khởi công.
“Ủy ban nội các về quản lý kinh tế khuyến nghị cho phép dự án được nối lại kèm theo giới hạn và những điều kiện được quy định trong đánh giá tác động môi trường (EIA)” - thông cáo của Chính phủ Sri Lanka cho biết nhưng không nêu cụ thể những điều kiện nào.
Hãng AFP dẫn một số nguồn tin quan chức chính phủ nói nhà thầu Trung Quốc được phép nối lại dự án mà không có thay đổi nào đáng kể.
Công trình xây dựng tòa nhà tại thủ đô Colombo. Chính quyền Sri Lanka đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh: Reuters
Thành phố cảng là một dự án tham vọng của Trung Quốc trên vành đai Ấn Độ Dương, được ông Tập Cận Bình khởi xướng hồi năm 2014. Nó bao gồm khu dân cư, bến du thuyền, đường đua Formula One... được Trung Quốc quảng cáo sẽ sinh lợi cho nền kinh tế địa phương nhiều triệu USD và tạo ra hơn 10.000 việc làm.
Mọi chuyện có lẽ đã suôn sẻ nếu như dự án này và người phê chuẩn nó không mắc phải nhiều vấn đề. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe từng lên tiếng quan ngại việc cải tạo đất ngay sát khu cảng chính có thể làm xói mòn bờ biển phía tây Sri Lanka và ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Cựu tổng thống Mahinda Rajapakse đang bị Chính phủ Sri Lanka điều tra tội tham nhũng, tất cả dự án xây dựng lớn được ông này ký đều bị lôi ra xem xét lại, dự án của Trung Quốc là một trong số đó.
Sri Lanka từng lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trong việc tái thiết cơ sở hạ tầng sau khi cuộc nội chiến kết thúc tháng 5-2009. Bỏ ra số tiền lớn cho vay, Trung Quốc ôm hết các hợp đồng xây đường giao thông, đường sắt và cảng biển dưới thời ông Rajapakse.
Chính phủ hiện tại của Sri Lanka cáo buộc chính phủ nhiệm kỳ trước đồng ý với những điều khoản cho vay bất hợp lý từ Trung Quốc và nay chính phủ đang tìm kiếm một gói giải cứu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Mở căn cứ tận Djibouti
Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc chọn Obock, một thị trấn cảng nhỏ của đất nước Djibouti, là nơi đặt căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của mình. Từ Obock nhìn qua vịnh Tadjoura là Trại Lemonnier, căn cứ chính duy nhất của Mỹ tại châu Phi.
Quân đội Pháp và Lực lượng phòng vệ biển của Nhật cũng đặt căn cứ và các trạm hậu cần tại đây. Djibouti có vị trí chiến lược gần với những điểm nóng hải tặc trên vịnh Aden, kiểm soát khu vực này cũng đồng nghĩa với kiểm soát con đường vận chuyển dầu thô ra vào bán đảo Ả Rập.
Bắc Kinh tỏ ra khá thận trọng với ngôn từ khi gọi công trình của họ ở Djibouti là “một cơ sở hậu cần” thay vì “căn cứ quân sự” như cách truyền thông phương Tây đưa tin.
Đề cập vấn đề này trong một cuộc họp báo cách đây vài ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có một phát ngôn đáng chú ý: “Chúng tôi rất vui lòng, theo nhu cầu khách quan, đáp lại mong muốn của các quốc gia chủ nhà cũng như các khu vực có hiện diện lợi ích của Trung Quốc, xây thêm một số công trình hạ tầng và cơ sở hậu cần”.
Báo The Diplomat cho rằng ý của ông Vương có lẽ là “Trung Quốc sẽ xây thêm một số căn cứ quân sự nữa sau Djibouti”. Theo cách hiểu này thì nhiều “cơ sở hậu cần” tương tự của Trung Quốc sẽ còn mọc lên tại khu vực Ấn Độ Dương.
Theo nhà quan sát Ankit Panda, “phi vụ Djibouti” của Trung Quốc đáng kinh ngạc ở chỗ khoảng thời gian từ lúc thương thuyết đến lúc tiến hành khởi công chỉ chưa đầy một năm!
Nếu lấy mốc tháng 5.2015 khi Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh thông báo đang đàm phán với Trung Quốc thì chỉ sáu tháng sau, Bắc Kinh tuyên bố đã thương lượng xong, thêm hai tháng nữa ông Guelleh xác nhận điều này và cuối cùng công trình được động thổ vào tháng 2-2016.
Sau Djibouti, Trung Quốc được cho là nhắm đến một số vị trí quan trọng khác ở Pakistan, Myanmar, quần đảo Maldives, Seychelles...