Dân Việt

Minh Béo bị bắt: Cảnh sát chìm Mỹ được "bẫy" thế nào?

Quang Minh – Tổng hợp 31/03/2016 18:55 GMT+7
Tội danh “Dàn xếp gặp gỡ trẻ em với mục đích dâm ô” mà nghệ sĩ hài Minh Béo bị cáo buộc được dựa trên một quy định về đặt bẫy nghi phạm trong luật pháp Mỹ, từng tạo ra nhiều tình huống gây tranh cãi và có thể khiến tòa đau đầu khi xét xử.

img

Nghệ sĩ Minh Béo có thể đối mặt án 6 năm tù giam.

Đối với cáo buộc nghệ sĩ Minh Béo “sắp xếp gặp gỡ một trẻ nhỏ với mục đích dâm ô”, có thể thấy sự tham gia của một cảnh sát đóng giả trẻ em để phát hiện hành vi phạm tội. Việc nhân viên cảnh sát đóng giả người thường hoặc trẻ em để dụ dỗ nghi phạm là hợp pháp tại nhiều quốc gia trong đó có Mỹ. Mặc dù vậy, khi xét xử, tính chất mơ hồ có thể khiến thẩm phán rất đau đầu.

Cần hiểu rõ hai khái niệm về nghiệp vụ cảnh sát dễ nhầm lẫn là sting operation và entrapment. Trong luật pháp Mỹ, sting operation là một hoạt động được thực hiện có chủ ý nhưng không mang tính dụ dỗ nhằm bắt giữ một người phạm tội. Thông thường, nhân viên an ninh hoặc cảnh sát sẽ đóng giả một thành viên băng nhóm tội phạm hoặc nạn nhân và có mặt tại hiện trường, tiếp xúc nghi phạm nhằm chứng minh hành động do nghi phạm thực hiện là sai trái. Đôi khi nhà báo cũng dùng biện pháp này để ghi âm, quay video những hành vi bị cho là phạm pháp.

Sting operation rất phổ biến ở Mỹ nhưng không được phép ở một số nước khác như Thụy Điển. Nghiệp vụ sting operation thường được áp dụng trong các trường hợp bắt giữ những kẻ trộm cắp xe; bắt giữ hacker chuyên ăn trộm tài khoản hoặc thông tin khách hàng; có mặt ở một sòng bạc bất hợp pháp; đóng giả khách làng chơi để gặp gái mại dâm.

img

Cảnh sát ngầm ở Mỹ được phép hoạt động để truy tìm bằng chứng phạm tội.

Với luật hình sự Mỹ, entrapment (đặt bẫy) xuất hiện khi một nhân viên an ninh dụ dỗ một nghi phạm thực hiện hành vi trái pháp luật mà trước đó họ chưa có ý đồ thực hiện. Đây là biện pháp ít được khuyến khích và đôi khi có thể trở thành “vũ khí” chống lại cơ quan an ninh trước tòa.

Entrapment thường bị chỉ trích vì vấn đề đạo đức và đôi khi sting operation cũng rất dễ nhầm lẫn với entrapment. Nhân viên hành pháp phải rất cẩn thận khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểu này. Khi đó, cảnh sát sẽ phải trực tiếp tham gia vào vụ việc, chẳng hạn như mua bán đồ trái phép, ma túy hoặc đóng giả khách làng chơi. Trước tòa, bị cáo có thể viện lí do bị đặt bẫy chứ không hề có mục đích ban đầu là phạm tội để phản bác phía điều tra.

Ở Đức, luật pháp không cho phép dụ dỗ hoặc thuyết phục người khác phạm tội kiểu entrapment như ở Mỹ. Nếu cảnh sát ngầm ở Đức thực hiện mà không được giấy cho phép đặc biệt thì họ cũng sẽ bị xét xử như thường. 

Luật pháp Đức cho rằng trước tòa mọi bên đều bình đẳng với nhau nên biện pháp đặt bẫy (entrapment) là không được phép dù nghi phạm có ý định thực hiện hành vi phạm pháp hay không.

img

Tuy nhiên, đôi lúc nghiệp vụ cảnh sát ngầm có thể trở thành "vũ khí" để bị cáo kháng án.

Có những tình huống gây tranh cãi xung quanh luật đặt bẫy ở Mỹ. Tháng 9.2014, hai người đàn ông là Andrey Yuryevich Kutsiy và Travis Michael Koropatnicki, 31 tuổi bị cáo buộc âm mưu buôn người và nguy cơ ngồi tù 20 năm. Vụ việc khiến nước Mỹ chia rẽ vì tính chất phức tạp của nó.

Bị cáo Kutsiy đã làm đơn giảm án từ trọng tội buôn người thành lỗi nhẹ là âm mưu mua dâm. Nếu được chấp thuận, Kutsiy chỉ phải hưởng án treo 1 năm và quản thúc 18 tháng không giám sát.

Tuy nhiên, bị cáo và cơ quan an ninh vẫn đang có mâu thuẫn giữa việc Kutsiy và Korropatnicki có đang bị đặt bẫy (entrapment) hay chỉ đơn giản là tự phạm sai lầm kiểu sting operation.

Theo đó, Kutsiy thấy dòng quảng cáo trên Craiglist được một cảnh sát ngầm giăng ra nhằm bắt những kẻ buôn người. Kutsiy đã "nhảy" vào nói chuyện và muốn được “vui vẻ” với những cô gái trẻ. Nhân viên an ninh cho biết chỉ có những thiếu nữ từ 12-14 tuổi. Lúc đầu Kutsiy không đồng ý vì sợ phạm pháp, nhưng rồi vẫn có mặt ở khách sạn sau khi bàn bạc qua điện thoại với cảnh sát ngầm. Lúc có mặt, Kutsiy bị bắt ngay tại hiện trường.

img

Nhiều quốc gia như Thụy Điển không có luật pháp điều chỉnh về cảnh sát ngầm.

Trường hợp của Koropatnicki cũng tương tự như vậy.

Luật sư của Kutsiy là Bolinske cho biết thân chủ của mình đã bị gài bẫy. “Rất hiếm khi nào tòa án liên bang giảm án từ trọng tội cấp A xuống lỗi nhẹ cấp A. Cơ quan an ninh đã gài tất cả khiến thân chủ của tôi liên tiếp phạm sai lầm và vướng vào vòng lao lí. Đây là một cái bẫy”.