Cơ quan giám sát an toàn của EU Rapid Alert System (RAPEX) vừa công bố danh sách các sản phẩm phi thực phẩm được xem là nguy hiểm, trong đó có thảm tập yoga. Loại thảm này được cho là chứa chất độc nhất clo parafin chuỗi ngắn (SCCPs), hàm lượng đo được cao nhất lên đến 6,9% trọng lượng sản phẩm. Trong danh sách bị cảnh báo, hàng loạt nhãn hiệu xuất xứ từ Trung Quốc như Abilica, Kettler, X-fact đều chứa độc chất SCCPs.
Gây kích thích da, bệnh hô hấp
Tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, thảm yoga bán phổ biến trên thị trường với giá 100.000-500.000 đồng/chiếc. Loại thảm này có đủ màu sắc và phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan, được rất nhiều người mua. Tại TP HCM, ngoài một số sản phẩm đắt tiền của Mỹ, Đức, hầu hết cửa hàng dụng cụ thể thao cũng bán thảm tập yoga có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan với giá rất rẻ. Trong đó, nhiều mặt hàng nằm trong danh sách khuyến cáo có chứa SCCPs.
Thảm yoga giá rẻ của Trung Quốc xuất hiện nhiều trên thị trường Ảnh: Đình Thi
Phân tích về nguy cơ sử dụng thảm có chất SCCPs, ông Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho rằng về nguyên tắc, chất này không thể gây nên tình trạng ngộ độc cấp tính. Tuy nhiên, có thể gây ra các biểu hiện kích thích về da, các bệnh về hô hấp như dị ứng, hen kích ứng, ngứa mắt khi tiếp xúc gần với chất SCCPs có trong thảm. “Độc tính của chất này đang được đánh giá. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy nếu chiếm khoảng 60%, chất SCCPs có khả năng gây ung thư trên chuột. Ngoài ra, chất này cũng có thể tác động đến tuyến giáp, gan, thận… nếu tiếp xúc thường xuyên ở hàm lượng lớn. Tuy nhiên, cũng chưa thể khẳng định SCCPs là nguyên nhân gây ung thư” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, SCCPs là chất được sử dụng khá nhiều trong ngành công nghiệp và phổ biến trong các loại thảm.
PGS-TS Trần Hồng Côn, chuyên gia hóa học, cho rằng hầu hết hợp chất hữu cơ của clo đều độc, hàm lượng clo trong phân tử càng cao thì độc hại càng nhiều. Nếu người dùng hít phải SCCPs vào cơ thể, gặp các axít amin thì chúng có khả năng gây độc và lâu dài có thể gây bệnh.
Tiếp xúc gần, nguy cơ phát bệnh cao
Trong khi đó, theo các chuyên gia về dị ứng, miễn dịch lâm sàng, với những người có cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với SCCPs, nhất là khi hít thở cận mặt thảm thì nguy cơ phát bệnh cao hơn.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết: “Người tập yoga nên cẩn trọng bởi khi tập mồ hôi ra nhiều, lỗ chân lông nở to, chất độc SCCPs trong thảm xâm nhập qua da vào cơ thể dễ dàng hơn. Sau đó, chất này di chuyển theo đường máu tích tụ ở cơ quan nào đó với một lượng nhất định sẽ gây ung thư. Khi đã xâm nhập, SCCPs tồn tại bền vững trong cơ thể nên rất nguy hiểm”.
Để hạn chế các nguy cơ này, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu mục nát thì không nên tiếp tục sử dụng. Với những người sử dụng thảm yoga thường xuyên mà có vấn đề về hô hấp như xoang, viêm mũi hoặc hay bị dị ứng với mùi, da mẫn cảm nên lựa chọn các sản phẩm thảm được chế tạo từ cao su tự nhiên, không chứa các hóa chất độc hại, an toàn hơn khi tiếp xúc với da.