Người chăn nuôi mừng
Đại tá Trần Trọng Bình - Cục phó C49 cho biết, theo các quy định mới của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. “Các điều 317, 191, 193 đã nâng cao tối đa tính răn đe khi cấu thành phạt tù cơ bản 5 năm, nặng 20 năm, phạt tiền tới 1 tỷ. Người chăn nuôi không chỉ bị mất trắng khi đàn heo bị tiêu huỷ mà còn bị phạt tù theo tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm” - đại tá Bình nói.
Cơ quan chức năng bắt quả tang mua bán chất cấm. H.D
Trước thông tin dùng chất tạo nạc có thể đi tù, nhiều hộ chăn nuôi ở ĐBSCL tỏ ra hào hứng và cho rằng luật nghiêm sẽ tạo sự công bằng trong chăn nuôi, vì lâu nay người nuôi heo sạch luôn thiệt thòi với heo bẩn. Tiền Giang có hơn nửa triệu con heo nuôi tập trung tại huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông. Có mặt tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo - một trong những địa phương có đàn heo lớn nhất Tiền Giang, đề tài “thời sự” của người dân là việc nhà nước mạnh tay với chất cấm. Anh Ba Vũ (hộ chăn nuôi heo tại xã Xuân Đông) nói: “Mấy năm nay heo sạch bị ép giá trong khi người nuôi heo bẩn lại mau làm giàu. Giờ nghe nói xử tù, nhiều người dùng chất cấm đã biết sợ nhưng vẫn có người lén lút xài. Tôi muốn nhà nước xử nghiêm vài vụ để làm gương”.
Ông Bùi Công Khanh (ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, Chợ Gạo, Tiền Giang) nói: "Nông dân không ai mê chất cấm, ai cũng biết là hại sức khỏe nhưng vì luật chưa đủ mạnh nên những người hám lợi nhắm mắt chơi với chất cấm mà không sợ gì. Nay với luật mới, dễ bại sản, dễ đi tù, chỉ cần ngành chức năng siết chặt thì chất cấm sẽ hết đất sống"
Cần “bàn tay thép”
Theo kế hoạch của Bộ NNPTNN, mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật theo cách thức mới: Khi thanh tra những lò mổ, nếu phát hiện có chất cấm sẽ mời các cơ quan báo đài vào quay phim, chụp hình và phát rộng rãi để tăng cao tính răn đe. Bên cạnh đó, đường dây nóng của Bộ sẽ tăng cường hoạt động để người dân, cơ quan đoàn thể phối hợp lật tẩy những cơ sở vi phạm.
Trong chiến dịch mạnh tay xử chất cấm, ngày 8.12.2015, C49 phối hợp với Thanh tra Bộ NNPTNN đánh sập đường dây phân phối, mua bán chất cấm Salbutamol cực lớn. Đường dây này do Trần Văn Bùi (39 tuổi, ngụ phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM) điều hành. Bùi thành lập Công ty TNHH thủy sản SeaBird (trụ sở tại hẻm 475, Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3) làm nơi giao dịch mua bán hóa chất. Kiểm tra tài liệu trong máy tính thời gian gần đây nhất, công an phát hiện Công ty Seabird giao dịch hơn 200kg Salbutamol. Trước đó, C49 phối hợp cùng Cục Cảnh sát kinh tế (C46) và thanh tra Bộ NNPTNT đã bất ngờ ập vào cơ sở sản xuất salbutamol ở số 901 nằm trên đường Âu Cơ, thuộc phườngTân Sơn Nhì, quận Tân Phú (TPHCM) và tóm gọn ổ chất cấm này.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NNPTNT nói: “Các bộ ngành phải đồng loạt vào cuộc truy quét những đối tượng vi phạm. Thời gian qua, chỉ có 20 địa phương là quyết liệt, số còn lại khá lúng túng nên việc xử lý chưa triệt để. Khi 63 tỉnh thành đều quyết tâm, cộng với sự phối hợp dọc – từ trung ương đến địa phương, phối hợp ngang Bộ NN&PTNN cùng bộ công an, bộ công thương và bộ y tế thì sẽ dứt điểm tận gốc thực trạng nhức nhối về chất cấm trong chăn nuôi”.
Hiện Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật dược sửa đổi. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán…
Từ tháng 11.2015, Thanh tra Bộ NNPTNN và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công An) đã phát hiện hơn 40 cơ sở sử dụng thức ăn với trên 100 mã sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng. Theo các cơ quan chức năng, qua kiểm tra các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi không phát hiện chất cấm. Tuy nhiên, chất cấm vẫn hiện diện trên thị trường một phần do thương lái “dụ” người chăn nuôi sử dụng. Phần khác, do một số công ty ít tên tuổi lén trộn vào cám rồi bán cho nông dân. |