Dân Việt

Kênh rác "nhan nhản" tại TP.HCM

HỮU KÝ 07/04/2016 06:00 GMT+7
TP.HCM có hệ thống kênh, rạch chằng chịt nhưng hiện nay rất ít con kênh, rạch còn giữ được màu xanh.

TP.HCM có hệ thống kênh, rạch chằng chịt nhưng hiện nay rất ít con kênh, rạch còn giữ được màu xanh. Tình trạng xả rác, lấn chiếm tràn lan khiến nhiều con kênh đang bị ô nhiễm nặng nề, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân.

img

Một con rạch giữa khu dân cư thuộc quận12 bị ô nhiễm nặng vì rác. Ảnh: H.K

Người dân sống ven kênh 19-5 cho biết, tình trạng xả rác xuống kênh, xả nước thải chưa qua xử lý thời gian qua đang giết chết con kênh này. “Con kênh bị ô nhiễm  nặng từ lâu rồi, nước đen ngòm. Trưa nắng nóng mà có gió nữa thì người đi đường đều phải bịt mũi. Thỉnh thoảng có đợt vớt rác nhưng vài ngày sau rác lại ngập mặt kênh” - anh Nguyễn Văn Hùng (quận Tân Phú) cho biết.

Nhiều kênh rạch ở ngoại thành, vùng ven như kênh B, kênh C (huyện Bình Chánh), rạch Dừa (Hóc Môn),… cũng đang chết dần do ô nhiễm. Trước đây người dân thường dùng nước kênh rạch để sinh hoạt nhưng hiện nay rất ít người dám sử dụng. Ông Nguyễn Văn Tư (ấp 1, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) cho biết rạch Bà Lát sát nhà ông trước đây nước trong xanh, tôm cá nhiều, người dân thường ra kênh múc nước về sinh hoạt. Nhưng những năm gần đây con rạch bị ô nhiễm nặng nên không ai dám đụng tới.

Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và phân tích Môi trường TP.HCM, các chỉ tiêu pH, BOD, COD, Coliform tại các vị trí quan trắc trên kênh, rạch nội thành đều không đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt. Trong khi đó, theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, diễn biến BOD, COD, Coliform ở kênh rạch nội thành từ 2011 - 2015 đều không đạt quy chuẩn cho phép. Các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm và Tham Lương - Vàm Thuật những năm gần đây đều có dự án cải thiện môi trường nhưng chất lượng nguồn nước đều không đạt.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm kênh rạch, PGS-TS Bùi Xuân Thành (Hội Nước và Môi trường TP.HCM) cho rằng thành phố cần nâng cao nhận thức của cộng đồng và chế tài áp dụng về bảo vệ kênh, rạch cho các cấp độ từ tổ dân phố trở lên. Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành 12 nhà máy xử lý nước thải trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, để đảm bảo 100% nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi xả ra môi trường. Song song đó thành phố cũng cần quản lý chặt việc thu gom,vận chuyển, xử lý bùn bể tự hoại trên địa bàn thành phố, trong đó cần kiểm soát việc xả lén bùn tự hoại qua kênh, rạch, cống thoát nước…