Dân Việt

Công bố 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika tại VN

Công Phương 05/04/2016 09:43 GMT+7
Đến ngày 4.4.2016, Việt Nam đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm virus Zika tại Khánh Hòa và TPHCM.

img

PGS Trần Đắc Phu cho biết, Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với virus Zika

Sáng 5/4, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp nhiễm virus Zika.

Bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Bệnh khởi phát ngày 26.3.2016 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ.

Đến 28.3.2016, bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 31.3.2016 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với virus Zika. Xét nghiệm khẳng định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh ngày 4.4.2016 đều cho kết quả dương tính với virus Zika.

Trường hợp thứ hai, bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú ở phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh khởi phát ngày 29.3.2016 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh Rubella.

Nhập viện, kết quả xét nghiệm ngày 31.3 và ngày 1.4.2016 tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh dương tính với virus Zika. Sau đó, kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 2.4.2016 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 4.4.2016 cũng cho kết quả dương tính với virus Zika.

Hiện sức khỏe của hai bệnh nhân đều ổn định.

Kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika. Như vậy, đây là hai trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ghi nhận tại cộng đồng ở nước ta.

Trước tình hình bệnh dịch do virus Zika đã được ghi nhận tại nước ta, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh tham mưu UBND tỉnh/thành phố công bố dịch theo quy mô xã, phường theo quy định.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương nâng mức cảnh báo, đáp ứng dịch lên mức 2 đối với tình huống đã có trường hợp mắc bệnh. Các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Theo thống kê, trong thời gian cuối năm 2015 đến nay, dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp tại 61 quốc gia, vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. WHO đã công bố tình trạng dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có sự quan ngại về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới chưa có khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại  với các quốc gia đang có dịch.

Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khí Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.

Virus Zika không trực tiếp gây ra tử vong và chưa có kiểm định rõ ràng, nhưng có mối tương quan lớn đối với 2 bệnh đó là: hội chứng đầu nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Hiện chưa có vắc xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị.

Theo thống kê, đến nay, dịch bệnh do virus Zika đã có tại 61 quốc gia, vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. WHO đã công bố tình trạng dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có sự quan ngại về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới chưa có khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại  với các quốc gia đang có dịch.