Dân Việt

"Ghế nóng" Sacombank lại nóng

Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính 05/04/2016 12:00 GMT+7
Mặc dù đã không dưới 3 lần thay chủ tịch HĐQT trong 3 năm kể từ khi Sacombank (STB) thay đổi nhóm cổ đông lớn, song nhân sự cấp cao nhà băng này sẽ tiếp tục biến động trước kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2016 và nhân vật nào sẽ ngồi vào ghế “nóng” đến nay vẫn còn là ẩn số.

img

Nhân sự cấp cao biến động

Đến nay việc sáp nhập Southernbank vào Sacombank đã hoàn tất và tới đây Sacombank chuẩn bị tiến hành ĐHCĐ thường niên. Người từng nắm quyền Phó Chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank, ông Trầm Bê , đã bàn giao công việc trước ngày 30-10-2015 và sẽ không tham gia quản trị Sacombank sau sáp nhập.

Theo văn bản của NHNN, ông Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ Southernbank.

Thông qua số cổ phần đã ủy quyền này, NHNN là cổ đông đang có trong tay tỷ lệ cổ phần của Sacombank sau hợp nhất lớn nhất, nắm quyền chi phối tại đây. Dự kiến đại diện của NHNN tham gia vào HĐQT Sacombank sau hợp nhất sẽ chính thức có mặt trong ĐHCĐ Sacombank sắp tới.

Theo nhiều nguồn tin, khả năng ghế “nóng” điều hành CEO Sacombank cũng sẽ thay đổi. Như vậy, một lần nữa bộ máy nhân sự cấp cao của Sacombank lại có sự biến động sau 3 năm nhóm cổ đông lớn thâu tóm quyền điều hành Sacombank buộc ông Đặng Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT) phải ra đi và sáp nhập Southernbank vào Sacombank.

Khả năng NHNN sẽ chỉ định người của Vietcombank sang điều hành Sacombank ở vị trí ghế “nóng” chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới hay một nhân vật nào khác cũng vẫn đang là ẩn số. Hiện Sacombank vẫn chưa tiết lộ ngày ĐHCĐ thường niên năm 2016 và chỉ cho biết ngày chốt danh sách không hưởng quyền tham gia ĐHCĐ là vào ngày 11-3 và ngày chốt danh sách cổ đông tham gia ĐHCĐ thường niên năm 2016 là 14-3-2016.

Trước đó, HĐQT Sacombank đã thống nhất chọn ngày 14-3-2016 là ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016-2020; đề cử, ứng cử thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016-2020 và triệu tập ĐHCĐ thường niên năm 2016. Trong nội dung thông báo, đáng chú ý việc thông qua dự kiến số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 từ 5-7 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập.

Ngoài ra, Sacombank còn dự kiến số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ 2016-2020 là 3 và tất cả đều là thành viên chuyên trách. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, Sacombank xin hủy việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016-2020.

Lý do bởi theo quy định việc quyết định số lượng thành viên HĐQT và BKS phải thực hiện trực tiếp tại ĐHCĐ. Đến nay, nhân sự Sacombank vẫn là bí ẩn đối với cổ đông, nhà đầu tư và thị trường tài chính.

Nợ có khả năng mất vốn hơn 3.000 tỷ đồng

Sacombank được xem là NH có lợi nhuận vững chắc trong giai đoạn năm 2011-2014 khi khó khăn của thị trường và xu thế giảm lợi nhuận của hầu hết các NH.

Song chỉ tiêu lợi nhuận và mức thực hiện của Sacombank trong năm 2015 lại trái ngược nhau khi chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra hơn 3.000 tỷ đồng trước thuế, kết quả chỉ đạt được hơn 1.000 tỷ đồng do phải gánh “cục” nợ xấu sau khi sáp nhập Southernbank.

Báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV-2015 của Sacombank lỗ 583 tỷ đồng và lợi nhuận lũy kế cả năm của nhà băng này chỉ còn lại 1.013 tỷ đồng trước thuế. Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sụt giảm mạnh do Sacombank thua lỗ trong quý IV-2015 vì trích lập dự phòng rủi ro tăng đột biến gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý IV đạt 840 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế cả năm thu nhập lãi thuần vẫn ổn định ở mức 6.278 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ quý IV đạt 288 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và lãi từ hoạt động khác tăng hơn 15 lần đạt 505 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối quý IV lỗ 21 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn cũng lỗ gần 28 tỷ đồng.

Trong khi đó, đến cuối năm 2015, huy động vốn từ khách hàng của Sacombank tăng 59,6% so với đầu năm, đạt 259.427 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 44,7% với tổng dư nợ 178.397 tỷ đồng.

Do sáp nhập Southernbank nên mặc dù đã mạnh tay trích lập dự phòng, chất lượng nợ cũng có thay đổi theo chiều hướng gia tăng với tỷ lệ nợ xấu từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.

Ngày 30-3, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đã nhận được Công văn 860/2016/CV-KT ngày 29-3-2016 của Sacombank đề nghị chấp thuận gia hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015. Lý do Sacombank đã thực hiện sáp nhập Southernbank trong năm 2015 và hiện nay phải chờ hướng dẫn, phê duyệt phương án tái cơ cấu sau sáp nhập của NHNN.

Sacombank đề nghị tạm hoãn công bố thông tin báo cáo kiểm toán năm 2015 đến khi NHNN có văn bản hướng dẫn và phê duyệt phương án sau sáp nhập. Sacombank cho biết, đã có kế hoạch xử lý nợ xấu của Southernbank trong 3 năm.

Theo kết luận của Thanh tra NHNN, nợ xấu Southernbank đến cuối năm 2013 ở mức 18.786 tỷ đồng, đã thực hiện xử lý thu hồi nợ hơn 9.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC gần 2.000 tỷ đồng, cơ cấu lại nợ 6.768 tỷ đồng.

Với việc sáp nhập Southernbank sẽ khiến dự phòng rủi ro tăng, nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm: Lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 đạt 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).