Dân Việt

Đuổi việc “ngang hông”, sếp bị kiện ra tòa

Hoàng Hạnh 07/04/2016 14:11 GMT+7
Đang cho nhân viên nghỉ phép 6 tháng để điều trị bệnh, “bỗng dưng” Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược Minh Hải (gọi tắt là Công ty Minh Hải, số 322, Lý Văn Lâm, phường 1, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau – đại diện người sử dụng lao động) ký quyết định sa thải, khiến gia đình người này lâm vào cảnh túng quẫn.

Bỗng dưng mất việc     

Trong đơn gởi báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Tuấn Kiệt (ngụ khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) trình bày: Ngày 1.1.2010, ông và Công ty Minh Hải ký hợp đồng lao động loại không xác định thời hạn, địa điểm làm việc tại quầy thuốc trung tâm huyện Trần Văn Thời. “Sau khi học xong khóa học dược sĩ trung học, tôi may mắn được Công ty Minh Hải nhận vào làm việc, với mức lương ổn định. Tuy nhiên, đến năm 2014, trong lúc tôi đang công tác bình thường, thì đùng một cái lãnh đạo công ty đưa ra nhiều lý do cáo buộc tôi vi phạm để ra quyết định sa thải đối với tôi” – ông Kiệt bức xúc.

Ông Kiệt nghẹn ngào cho biết thêm: "Từ ngày mất việc, gia đình tôi lâm vào cảnh khốn khó. Tiền bạc lo cho các con ăn học, sinh hoạt gia đình, và tiền đi trị bệnh cho tôi đều vay mượn bên ngoài". 

img

Ông Kiệt đang khốn đốn vì bị sa thải . H.H

Căn cứ vào biên bản làm việc ngày 23.9.2014 giữa ông Kiệt (lúc này là trưởng hiệu thuốc Trần Văn Thời – PV) và ông Nguyễn Thành Bổn – Tổng Giám đốc Công ty Minh Hải; ông Nguyễn Trọng Bằng – Phó Tổng giám đốc…, thể hiện nội dung, đại diện Công ty Minh Hải là ông Bổn và những người có mặt đều ký tên đồng ý cho ông Kiệt tạm thời nghỉ việc không hưởng lương đến ngày 31.3.2015 để đi điều trị bệnh.

“Trong khi tôi chưa hết thời gian cho nghỉ việc để đi điều trị bệnh (đến ngày 31.3.2015 – PV) thì ngày 12.11.2014, ông Bổn đã ký quyết định (số 48/DMH – TGĐ) về việc thi hành kỷ luật lao động đối với tôi, bằng hình thức sa thải” – ông Kiệt bức xúc nói.

Theo đó, Quyết định số 48 của Công ty Minh Hải cáo buộc ông Kiệt sử dụng tiền không đúng mục đích kinh doanh, quản lý tài sản không trách nhiệm và quản lý công nợ khách hàng không chặt chẽ đã gây thiệt hại cho công ty số tiền hơn 244 triệu đồng. Ngoài việc sa thải, công ty này còn buộc ông Kiệt phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với số tiền nói trên.

Ông Kiệt cho biết, ông đã gởi đơn đến TAND TP. Cà Mau kiện Công ty Minh Hải, yêu cầu tòa hủy quyết định số 48/DMH – TGĐ; buộc công ty nhận ông trở lại làm việc, và trả đúng số tiền lương kể từ ngày ông bị sa thải sai luật đến nay. “Hiện tòa án đã thụ lý đơn kiện của tôi và sẽ đưa ra xét xử trong tháng 4 này” – ông Kiệt nói.

img

img

Biên bản làm việc, quyết định cho ông Kiệt nghỉ không lương đến ngày 31.3.2015. H.H

Công ty không thể làm thay tòa án

Về trường hợp của ông Kiệt bị Công ty Minh Hải sa thải, thạc sĩ, luật sư Lê Thanh Thuận – Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau cho rằng: Quyết định 48/DMH – TGĐ về việc thi hành kỷ luật đối với ông Kiệt là vi phạm tại điểm a, khoản 4, Điều 123 của Bộ Luật lao động năm 2013.

img

Quyết định kỷ luật sa thải đối với ông Kiệt. H.H

“Luật quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng, nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động. Mặc khác, trong quyết định số 48 buộc ông Kiệt phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với số tiền hơn 244 triệu đồng là không có căn cứ. Vì theo hệ thống pháp luật hiện nay, chỉ có ngành tòa án mới có quyền buộc bồi thường. Ở đây nếu công ty nói ông Kiệt vi phạm về mặt tài chính, thì phải có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: Bản án của tòa án, kết luật điều tra hay cáo trạng… quy định tại Điều 126 của Bộ Luật lao động” - ông Thuận phân tích.

Để làm rõ thêm vấn đề, phóng viên Dân Việt đã liên hệ trực tiếp với ông Bổn hẹn lịch làm việc, nhưng ông Bổn từ chối tiếp xúc và nói: “Tôi không bao giờ cho ông Kiệt nghỉ phép, nên khi ra quyết định sa thải là hoàn toàn đúng luật”. Nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi về nội dung trong biên bản làm việc ngày 23.9.2014, thì ông Bổn nói không có giấy tờ gì chứng minh việc công ty cho ông Kiệt nghỉ phép?.

“Luật quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng, nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động”. 

Luật sư Lê Thanh Thuận