Dân Việt

Có hay không việc “cài thầu” dự án đường ống nước sông Đà?

Vinh Hải (thực hiện) 05/04/2016 14:19 GMT+7
Đó là câu hỏi của PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, về việc Công ty Xinxing (Trung Quốc) thắng thầu dự án cung cấp đường ống nước sông Đà.

Qua theo dõi việc đấu thầu cung cấp đường ống nước cho dự án cung cấp nước sạch Sông Đà giai đoạn 2, theo ông cần phải kiểm tra, giám sát những yếu tố gì trong quá trình đấu thầu?

imgĐường ống nước sông Đà giai đoạn 1 liên tục xảy ra sự cố khiến người dân lo lắng. Ảnh: I.T

- Theo quy định đấu thầu tại Luật Đấu thầu 2013 thì thứ nhất là cần xem hồ sơ mời thầu có minh bạch rõ ràng các tiêu chí hay không. Liệu rằng có việc “cài thầu” trong đấy hay không. Chẳng hạn như có những tiêu chuẩn kỹ thuật có tính đặc thù, chủ đầu tư biết là chỉ có một nhà thầu nào đó có thôi. Hay nhà thầu có thiết bị, nguyên liệu chỉ một nhà sản xuất cấp cho thì chủ đầu tư sẽ đặt ra tiêu chí là phải có tiêu chuẩn G7.

Theo TS Hùng, phải khóa nhà thầu lại bằng hợp đồng, điều khoản chặt chẽ, bảo lãnh trong quá trình thi công... Bởi chúng ta chứng kiến có quá nhiều công ty Trung Quốc đã làm như thế.

Trong đấu thầu dự án cung cấp đường ống nước sông Đà, tại sao chủ đầu tư đặt ra tiêu chí “năng lực sản xuất đường ống 1.800mm” mà không phải là 1.600mm? Việc đặt ra tiêu chí như thế là vì công ty của Trung Quốc đang có ưu thế, chủ đầu tư “tạo điều kiện” cho công ty Trung Quốc?

Cơ quan chức năng phải làm rõ chuyện này. Thứ hai là nguyên vật liệu, gang dẻo dùng cho đường ống là loại gang dẻo gì, tiêu chuẩn ra sao, đã dùng cho những đường ống bây giờ sử dụng như thế nào. Nhà thầu vượt qua được hàng rào kỹ thuật mới đến mở hồ sơ đề xuất kinh tế. Do đó nhiều khi nhìn bề ngoài là quy trình, tiêu chí nhưng lại biểu hiện yếu tố “cài thầu” nên phải xem xét hết sức cẩn trọng, chặt chẽ. Thứ ba là cơ quan chức năng cần quan tâm đến thành phần chấm thầu. Cụ thể ở đây là tổ chuyên gia xét duyệt do chủ đầu tư thành lập, các thành viên đã vô tư, khách quan, làm hết trách nhiệm?

Nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đã đưa ra mức giá thấp hơn 11,8% so với giá mời thầu, điều này nói lên vấn đề gì, thưa ông?

img

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng.

- Ai lại đưa ra giá chào thầu mà cuối cùng có thể bỏ thầu với mức giá giảm được 11,8%, tôi thấy có vấn đề rất không bình thường. Chủ đầu tư đưa ra chào thầu mà nhà thầu có thể bỏ thấp hơn đến mức như thế. Tự hỏi, ngay từ ban đầu khi thiết lập dự toán, chủ đầu tư đã thiết kế, tính toán định mức sát chưa? Giả sử, nếu nhà thầu không bỏ thầu thấp mà họ bỏ giá cao thì chả khác gì chủ đầu tư đã mất không mấy trăm tỷ nữa? Có thể thấy, những người thiết kế, tính toán dự án không sát mới để “hớ” như thế.

Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Bộ KHĐT) khuyến cáo về việc nhà thầu đưa ra mức giá này có thể gây bất lợi cho chủ đầu tư. Quan điểm của ông?

-Ngay từ đầu chúng ta phải đặt ra: Nếu anh trúng thầu với mức giá đó, phải đúng với yêu cầu thời gian, tiến độ như cam kết mới được chúng tôi thanh toán. Nếu chậm phải phạt, chủ đầu tư phải khóa chặt các điều kiện khi thương thảo hợp đồng. Chứ không phải để một công ty nào đó bỏ giá thật thấp để trúng thầu rồi lại kéo dài tiến độ, nâng giá mà phía chủ đầu tư vẫn “è cổ” thanh toán. 

Quá trình đấu thầu, Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) được mời làm tư vấn giám sát dù đơn vị này đã có nhiều người bị khởi tố trong vụ việc vỡ đường ống nước sông Đà giai đoạn 1, liệu có ổn?

- Theo tôi, một đơn vị đã có vấn đề như thế thì vì lý do tế nhị đừng nên đưa vào. Ở đây, chúng ta phải xem xét hai mặt của vấn đề. Đúng là có mặt trái của nó nhưng phía tư vấn đã có bài học, đã có va vấp và trả giá rồi thì sẽ có kinh nghiệm hơn. Trong vụ việc này, chủ đầu tư cần nhớ rằng không phải là báo chí, dư luận và người dân không biết. Chủ đầu tư phải nhìn nhận trách nhiệm kinh doanh và xã hội của mình để vì lợi ích và sự an toàn sức khoẻ cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW (Hà Nội): TP.Hà Nội cần kiểm tra lại việc đấu thầu

Đường ống nước sông Đà nhiều lần vỡ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân Hà Nội vẫn còn đang nóng, nên việc lựa chọn nhà thầu để làm đường ống nước lần này phải hết sức thận trọng. Đặc biệt là phải nêu rõ những thông số kỹ thuật nhà thầu phải đáp ứng và có một quy trình thẩm định rất chặt chẽ về chất lượng ống.

Theo Điều 17, Luật Đấu thầu năm 2013, điều kiện hủy thầu được quy định: 1- Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. 2- Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. 3- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án. 4- Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

 Để xác định liên danh Ấn Độ - Việt Nam bị loại  đúng hay sai cần phải xem xét lại toàn bộ quy trình. Tuy nhiên từ việc 2 công ty lớn không có bảo đảm dự thầu dẫn tới bị loại; rồi đến việc liên danh Ấn Độ - Việt Nam cũng bị loại một cách bất ngờ thì dường như có một cái gì đó trùng lặp, khiến dư luận băn khoăn.

Theo tôi, để rộng đường dư luận, minh bạch, công khai UBND thành phố Hà Nội cần kiểm tra lại việc đấu thầu này trên tất cả các khía cạnh từ pháp lý và kinh tế. Sau đó, cần công bố công khai tới công luận kết quả của quá trình kiểm tra.

Lê Chiên (ghi)