Dân Việt

Lòng dân trên những con đường mới

Kim Oanh - Đoàn Hồng 06/04/2016 06:36 GMT+7
Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt làng quê huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đã “thay áo mới” từng ngày, đường sá được mở rộng, đẹp và khang trang hơn trước. Có được điều đó là nhờ nông dân (ND) Hòa Vang đã không tiếc công của đóng góp cho chương trình.

Mất một nhưng lợi mười

Đó là chia sẻ của rất nhiều nông dân ở huyện Hòa Vang với phóng viên NTNN về việc tham gia hiến đất, đóng góp ngày công mở đường để làm đường NTM. Bà Ngô Thị Nguyệt (53 tuổi, ở xã Hoà Phú, Hoà Vang), người đã hiến gần 15m2 đất thổ cư của gia đình để mở rộng đường, chia sẻ: “Mặc dù biết gia đình mình sẽ mất đất, nhưng được cái lợi là vừa có đường sá khang trang hơn, giúp nhiều người vận chuyển lúa vào bờ dễ dàng, giảm công lao động”.

img

Sau 5 năm, người dân huyện Hòa Vang đã hiến 222.013m2 đất để xây dựng NTM.  
Ảnh: Đoàn Hồng

Xuất phát điểm ban đầu thấp, nhưng đến nay huyện Hoà Vang đã có 10/11 xã đạt 19 tiêu chí, 1 xã đạt 17/19 tiêu chí (xã Hòa Bắc) và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện Hòa Vang đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015.

Gần đó, gia đình ông Bùi Văn Vinh (58 tuổi, thôn Hoà Phát, Hoà Phú) cũng hiến hơn 100m2 đất. Ông Vinh chia sẻ: “Ai cũng làm được, sao mình không làm? Tính ra tấc đất tấc vàng thật đấy, nhưng hiến đất để mở đường thì lợi cho mình, lợi cho cả xóm và con cháu sau này. Có đường đẹp, đi thấy sướng lắm!”.

Trao đổi với PV, ông Phan Dũng - Chủ tịch Hội ND xã Hoà Phú cho biết thêm: “Đất đai thì ai cũng quý, nhưng nếu hiến một chút mà nhiều người hưởng lợi, lại là cái lợi mang tính lâu dài thì đây là một việc nên làm. Chính vì thế, khi đã “thông”, xã có cả trăm ND hiến đất, người ít thì vài chục mét vuông, người nhiều thì vài trăm mét”.

Ở thôn Trà Kiểm, (xã Hoà Phước, huyện Hoà Vang), chuyện người dân hiến đất làm đường từng gây tiếng vang ở huyện Hòa Vang từ mấy năm trước. Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, toàn bộ đường kiệt hẻm ở thôn Trà Kiểm đã được mở rộng từ 1,5 - 2m lên đến 3,5 - 5m... Điển hình là hộ bà Lê Thị Hiên, nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn sẵn lòng hiến hơn 600m2 đang trồng rau, đậu của gia đình để xã cắt ngang làm con đường liên thôn, xóm. Bà Hiên nói: “Khi thôn, xã đề nghị gia đình hiến đất, ban đầu thấy tiếc lắm, nhưng rồi thấy việc bỏ ra vài tấc đất thì gia đình được lợi mà hàng xóm cũng có đường đẹp để đi nên tui đồng ý. Có đường đẹp, mọi người đi nhiều mới đông vui, con ạ!”.

Nông dân làm “đầu tàu”

Ông Nguyễn Thanh Quý - Trưởng thôn Trà Kiểm, xã Hoà Phước (Hòa Vang) phấn khởi chia sẻ, ngày trước đường sá trong thôn chật chội lắm, người dân đi lại rất khó khăn. Đến năm 2012, khi triển khai Chương trình NTM, địa phương đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công để mở đường. Nhờ sự đồng thuận của bà con, toàn bộ các tuyến đường kiệt hẻm của thôn đã được mở rộng từ 1,5 - 2m lên 3,5 - 5m.

img

Con đường vào thôn Trà Kiểm, xã Hoà Phước, huyện Hoà Vang được mở rộng khang trang và sạch đẹp. Ảnh: Kim Oanh

“Bây giờ có đường khang trang và sạch sẽ bà con vui lắm. Đường thênh thang, ôtô vào đến tận cuối xóm lận. Có đường rộng, tường rào cổng ngõ được sửa lại khang trang, nhìn nhà ai cũng sáng sủa, đẹp hẳn ra. Thôn Trà Kiểm bây giờ, những con đường thẳng tắp, đi sướng như đường ở thành phố vậy…” - ông Quý chia sẻ.

Chủ tịch Hội ND huyện Hòa Vang - ông Nguyễn Đình Khánh Vân cho rằng, thành công trong xây dựng NTM ở Hòa Vang có sự đóng góp rất lớn của các tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến sự vào cuộc của người ND. Người ND không những đóng góp tiền của để đầu tư cơ sở hạ tầng mà còn đóng góp hàng chục ngàn ngày công, với hàng ngàn hộ hiến đất để mở đường, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Còn ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang cho biết, xác định xây dựng NTM đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhận thức được vai trò chủ đạo của người dân trong công cuộc xây dựng NTM nên huyện đã tập trung các giải pháp tuyên truyền nhằm tạo nhận thức và sự đồng thuận toàn xã hội, tuân thủ và thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, thực hiện công khai hóa và phát huy vai trò giám sát của dân.

“Vai trò của nhân dân được phát huy rất lớn và trong 5 năm qua, người dân đã hiến 222.013m2 đất; đóng góp hơn 55.577 ngày công. Đặc biệt, người dân đã đóng góp 392,35 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, xây dựng các mô hình sản xuất, nổi bật là đóng góp để nâng cấp, làm mới 169km đường kiệt hẻm với tổng kinh phí 64,5 tỷ đồng...

“Khi người dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động, đóng góp vật chất thì họ đều có ý thức rằng đó là công trình do chính mình đóng góp, họ có quyền thụ hưởng và chung tay giữ gìn. Đó cũng là hướng đi đúng, tạo nên sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM để huyện tiến tới thành công như ngày hôm nay...” - ông Hành nói.