Chiếc xe Innnova bị người dân đập vỡ cửa kính sau khi truy đuổi.
Khoảng 15 giờ ngày 4.4, tài xế Bùi Văn Thụ (SN 1991, quê Ba Vì) dừng đỗ xe Innova BKS 30A 229.91 sai quy định trên đường Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi lực lượng CSGT Đội 1 (Công an TP. Hà Nội) kiểm tra, yêu cầu xuất trình giấy tờ, lái xe bất ngờ bỏ chạy.
Tài xế Thụ điều khiển xe lạng lách, đánh võng, quay đầu… qua nhiều tuyến phố hòng trốn thoát. Sau khoảng 15 phút truy đuổi, CSGT cùng người đi đường đã chặn được chiếc xe ở đoạn đường Kim Kiên-Lương Định Của (Đống Đa, Hà Nội).
Trước hành vi lái xe bỏ chạy của lái xe, một số người đi đường đã cầm gạch đá, gậy… đập vỡ cửa kính ô tô, sau đó lôi tài xế ra ngoài để đánh đập. Sự việc chỉ dừng lại khi lực lượng Công an phường Kim Liên và CSGT can ngăn.
Sau vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi: Lái xe bỏ chạy sai đã có pháp luật xử lý. Nhưng việc người dân hành hung tài xế, đập phá tài sản của người vi phạm giao thông có phạm luật hay không?
Ngày 5.4, trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Văn Kiên – Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý khẳng định, việc người dân tấn công và đập phá tài sản của người vi phạm giao thông là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Tùy hậu quả do hành vi tấn công và đập phá của người dân mà những người này có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính.
“Trong mọi trường hợp, người dân không được phép hành hung hay phá hoại tài sản của người khác. Hành vi dùng gạch, gậy (hung khí nguy hiểm) tấn công người vi phạm giao thông nếu gây thương tích cho nạn nhân dưới 11% hoặc dùng tay chân gây thương tích cho nạn nhân trên 11% sẽ bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích. Mức xử phạt thấp nhất là phạt tù 6 tháng, cao nhất 15 năm”, luật sư Kiên chia sẻ.
Về tài sản, theo luật sư Kiên, nếu giá trị tài sản của người vi phạm giao thông bị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người đập phá sẽ bị xử lý về tội hủy hoại tài sản theo điều 143 Bộ luật hình sự. Mức xử phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ 3 năm, cao nhất có thể tù chung thân (thiệt hại tài sản trên 500 triệu đồng).
Các trường hợp thiệt hại tài sản và thương tích của người bị tấn công (lái xe) thấp hơn các viện dẫn nêu trên, người gây ra sẽ bị xử phạt hành chính từ 2-5 triệu đồng theo Nghị định 167/2013 NĐ -CP ngày 12.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Tài xế Bùi Phú Thụ với nhiều vết thương trên mặt vì bị người dân hành hung sau khi lái xe lạng lách chạy trốn CSGT.
Luật sư Kiên cũng cho hay, trong trường hợp cấp bách, người dân tấn công lái xe để bảo vệ tài sản cá nhân và ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng xảy ra có thể xem xét theo tội danh “Gây thương tích vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
Tuy nhiên, trường hợp này người dân chỉ có quyền chống trả tương xứng. Vì vậy, việc người dân sau khi dừng xe đã lôi tài xế ra đánh đập, dùng gạch đập cửa kính ô tô trong khi tài xế chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng vẫn là phạm pháp.
Về mức xử phạt đối với tài xế, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (CSGT Đội 1-CA TP.Hà Nội) cho hay, tài xế Innova vi phạm 2 lỗi gồm: Dừng đỗ xe sai quy định (xử phạt 600.000 – 800.000 đồng) và Không chấp hành yêu cầu của CSGT (xử phạt từ 2-3 triệu đồng).
“Do lái xe không có dấu hiệu tội phạm hình sự nên CSGT chỉ có thể xử phạt hành chính. Với 2 lỗi này, tùy vào mức độ nguy hiểm mà cơ quan chức năng sẽ có chế tài xử phạt thích đáng nhưng số tài tiền phạt tối đa không quá 4 triệu đồng”, thượng tá Quỹ nói.