Dân Việt

Vuốt ngoe - công việc "ăn theo" thu nhập khá mùa thanh long

Minh Châu 06/04/2016 11:00 GMT+7
“Trong các việc, có thể nói vuốt ngoe là đòi hỏi nhiều công sức nhất, dù đây không phải là công việc nặng nhọc. Do chỉ được vuốt thuốc lên phần ngoe (thuốc dính vào trái, trái sẽ chín không đều, những chỗ dính thuốc sẽ có màu xanh, trái lốm đốm xanh đỏ không bán được) nên công việc luôn đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn, nên có thể chỉ phù hợp với lao động nữ”

Cây thanh long phát triển ở Chợ Gạo không những giúp những hộ dân trên địa bàn huyện khá lên mà còn giúp những người dân nơi đây có thêm thu nhập. Thời gian qua, những công việc phát sinh từ các vườn thanh long đã góp phần giải quyết việc làm cho khá nhiều người trên địa bàn huyện và vùng lân cận.

Lúc nào cũng có việc

Theo các hộ trồng thanh long, trong suốt quá trình phát triển loài cây này cần rất nhiều công chăm sóc, đặc biệt là giai đoạn ra hoa kết quả. Vì thế, hầu như các hộ trồng thanh long (đặc biệt là những hộ trồng nhiều) đều phải thuê người làm.

Chị Nguyễn Thị Thuận (ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh) cho biết: “Hầu hết các việc đều phải làm trong một thời gian nhất định mới đảm bảo cây phát triển tốt. Vườn rộng, không thuê người thì làm sao xuể, nhất là những công việc đòi hỏi nhiều công sức như vuốt ngoe, tỉa hoa, tỉa quả, thu hoạch. Vì thế, hễ đến công đoạn nào thì  tôi thuê người phụ công đoạn đó, vừa nhanh, vừa chuyên nghiệp lại đảm bảo thời gian”.

Theo chị Thuận, có khá nhiều việc cần phải thuê nhân công, vì vậy trong các xã hiện đã hình thành các nhóm chuyên làm “dịch vụ hỗ trợ những người trồng thanh long”. Chỉ cần liên lạc với một người trong nhóm, nói công việc mình cần, hẹn ngày là có ngay “một đội quân tinh nhuệ” đến làm.

img

Công việc “vuốt ngoe” luôn đòi hỏi ở người làm sự khéo léo, chịu khó.

Hiện tại, đối với các chủ vườn việc thuê một nhóm người “chuyên làm dịch vụ” hỗ trợ đến làm việc trong vườn nhà là chuyện rất bình thường. Nhiều chủ vườn còn là một trong những thành viên của nhóm, sẵn sàng đến các vườn khác làm việc khi họ cần.

Vì thế, hầu như những người trong nhóm đều rất chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong từng việc và luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần. Tuy nhiên, không phải ai trong nhóm cũng có thể làm tốt tất cả các việc. Vì vậy, tùy từng việc mà sẽ có những người làm khác nhau. Chẳng hạn như việc thu hoạch trái, phun thuốc, cắt chèo… phù hợp với lao động nam; còn các công việc tỉa nụ, tỉa trái, vuốt ngoe thì phù hợp với lao động nữ.

Chị Nguyễn Thị Thu (ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh) chia sẻ: “Trong các việc, có thể nói vuốt ngoe là đòi hỏi nhiều công sức nhất, dù đây không phải là công việc nặng nhọc. Do chỉ được vuốt thuốc lên phần ngoe (thuốc dính vào trái, trái sẽ chín không đều, những chỗ dính thuốc sẽ có màu xanh, trái lốm đốm xanh đỏ không bán được) nên công việc luôn đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn, nên có thể chỉ phù hợp với lao động nữ”.

Chị Thu cũng cho biết thêm: Nói là phù hợp, nhưng thật sự khi làm chúng tôi phải cố gắng rất nhiều. Việc này đòi hỏi phải thực hiện khi trời nắng (lúc trời mưa hay râm mát thì không hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp) nên khi làm chúng tôi luôn phải chấp nhận phơi mình dưới trời nắng nóng hàng giờ liền. Vì thế, mỗi lần đi làm, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ từ nón, khăn che mặt, áo khoác, bao tay.

Theo các chị, thường thì trái thanh long được vuốt ngoe từ 2 đến 3 lần, tùy theo yêu cầu của chủ vườn. Lần đầu khi trái còn nhỏ, lần thứ 2 khi trái đã khá lớn và lần tiếp theo khi trái đã chín. Việc vuốt ngoe giúp cho phần ngoe trái thanh long cứng hơn, tươi hơn, không bị héo và áp sát vào trái. Trái thanh long được vuốt ngoe nhìn tươi, bắt mắt hơn. “Ngoe” cũng là phần giúp bảo vệ trái thanh long khỏi bị giập khi xếp vào giỏ, vào thùng nên công đoạn này rất được nhà vườn chú trọng.

Ngoài vuốt ngoe, các việc khác cũng đòi hỏi nhiều công nên hầu như lúc nào những người làm thuê ở các vườn thanh long cũng có việc làm. Vườn nào trồng càng nhiều thì nhu cầu lao động càng cao. Vì thế, không chỉ những người trong huyện Chợ Gạo, một số người ở các huyện lân cận cũng tham gia vào các nhóm làm thuê, chẳng hạn trường hợp anh Trần Văn Lợi (ấp Ninh Đồng, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây).

Theo anh Lợi thì hầu như ngày nào nhóm anh cũng có việc làm, nhất là khi vào mùa thu hoạch rộ. Mỗi ngày, anh cùng các thành viên trong nhóm vào các vườn giúp họ thu hoạch thanh long, xếp vào giỏ, cân và xếp lên xe. Cứ luân phiên từ vườn này đến vườn khác. Vì thế, hầu như cứ đến mùa thu hoạch thanh long là nhóm của anh chẳng lúc nào rảnh tay.

Cải thiện thu nhập

Qua tiếp xúc với một số người chuyên làm thuê tại các vườn thanh long, chúng tôi được biết cái hay nhất của công việc này là được chọn việc để làm, chọn giờ để thực hiện. Mỗi phần việc cũng không giới hạn phải thực hiện trong bao lâu nên người làm thuê luôn rất chủ động trong công việc.

Chị Trương Thị Bửu (ấp Tân Hòa, xã Tân Thuận Bình) chia sẻ: “Tiền công mỗi giờ làm là 20.000 đồng. Một ngày chỉ cần làm việc khoảng 3 - 5 giờ là có từ 60.000 -100.000 đồng. Mỗi ngày nếu ít thời gian thì tham gia vài giờ, nhiều thời gian thì lâu hơn một chút.

Tuy tiền công không quá cao, nhưng có thể nói những việc trên đã giúp chúng tôi cải thiện thu nhập rất nhiều”. Chị Nguyễn Thị Bé Năm (ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình) cũng cho rằng thu nhập từ công việc làm thuê như thế là không quá cao nhưng ổn định, nhất là đối với những người không có đất canh tác, hoặc có ít đất như chị.

Chị Bé Năm cho biết: “Vợ chồng tôi chỉ có vài sào đất nên công việc không nhiều, thu nhập từ đó cũng không đủ sống. Vì vậy chúng tôi làm thuê để cải thiện thu nhập gia đình. Mỗi ngày tôi có thể làm khoảng 8 giờ, thu nhập 160.000 đồng, chồng tôi cũng vậy. Tuy công việc không phải lúc nào cũng có, nhưng có thể nói khoản tiền này đã giúp gia đình tôi rất nhiều”.

Không chỉ chị Bửu, chị Bé Năm mà hầu hết những người chuyên làm “dịch vụ hỗ trợ người trồng thanh long” đều cho rằng công việc này đã giúp cuộc sống của họ ổn định hơn. Tuy nhiên, mọi người cũng khá lo lắng vì số người có nhu cầu làm việc ngày càng nhiều, trong khi diện tích thanh long có giới hạn, đến một lúc nào đó công việc sẽ không được như bây giờ.

Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đánh giá: “Có thể nói, việc hình thành những nhóm người chuyên làm “dịch vụ” hỗ trợ người trồng thanh long này đã giúp người trồng thanh long đỡ cực hơn trước rất nhiều. Cái hay nhất là công việc này lại không ràng buộc thời gian nên ai cũng có thể tranh thủ làm lúc rảnh rỗi, giúp người dân có thêm một khoản thu nhập đáng kể ngoài thu nhập từ vườn, ruộng”.