Trước những dư luận về việc in tiền lưu niệm gây lãng phí, Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết: "Việc tổ chức in, phát hành tiền nói chung và tiền lưu niệm nói riêng là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, các nước trên thế giới đều tổ chức in, đúc, phát hành tiền lưu niệm, cả tiền giấy và tiền kim loại nhân các sự kiện lớn của đất nước cũng như của Ngân hàng Trung ương, đây là việc làm bình thường".
Về chi phí in và phát hành tiền lưu niệm, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: "Để tổ chức in tiền lưu niệm, Ngân hàng Nhà nước đã hợp tác với 4 đối tác nước ngoài (Pháp, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Đức) về giấy, mực in, thiết bị bảo an…. được các đối tác trên tài trợ miễn phí; tiền lưu niệm được tổ chức in tại Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam". Hoạt động bán tiền lưu niệm là phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Kinh phí thu được từ việc bán tiền lưu niệm dùng để bù đắp một số chi phí. Số còn lại được hạch toán vào thu nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước và cuối năm được quyết toán nộp ngân sách Nhà nước.
Năm 2016, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (6-5-1951/6-5-2016), Ngân hàng Nhà nước tổ chức in và phát hành tiền lưu niệm “Kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam” nhằm ghi nhận bước phát triển của ngành Ngân hàng trong thời kỳ đổi mới, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử dân tộc và đồng tiền Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp để Ngân hàng Nhà nước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực in tiền để in đồng tiền lưu niệm này. |