"Chuyện tình thế kỷ" của cặp vợ chồng nhặt rác khiến nhiều người xúc động (Ảnh: Hải Lê Cao)
"Gặp nhau từ thuở bơ vơ/ Xây một tổ ấm giấc mơ đã thành”, chuyện tình 47 năm của cặp vợ chồng nên duyên từ bãi rác đã được đúc rút lại thành hai câu thơ do chính người trong cuộc làm ra ấy.
Nhường nhau chiếc bao tải ủ ấm mùa đông
Trong làn khói thuốc lào mờ đặc lẫn với mùi khói bếp khét lẹt tỏa ra từ bếp lửa của bà Thủy, ông Thành lim dim mắt nhớ về cuộc sống 4 năm vừa qua, kể từ khi “cắm cọc” dựng lều, xây tổ ấm ở bãi giữa sông Hồng.
Sau hơn 40 năm, phiêu dạt khắp các hang cùng ngõ hẻm của Thủ đô, sống cảnh màn trời chiếu đất, năm 2012, cặp vợ chồng già đã tìm được điểm dừng chân, đó là bãi giữa sông Hồng. Chẳng thể dựng lều giữa vùng đất cát, ông bà lấy gỗ, kết bè làm thành chiếc lều nổi, bên trên lợp tạm vài tấm tôn, xung quanh kết đủ các thứ ni lông, bao tải để tránh mưa, tránh gió.
Ông Thành kể, trước khi được người ta cho 24 chiếc thùng phuy (đầu năm 2015- PV), gắn phía dưới chiếc bè, túp lều của ông rất “mỏng manh”, trôi nổi, chỉ cần một cơn gió nhẹ đã vội rung rinh. Ông “cao hứng” ví nơi ở của mình ngày đó nhạy cảm như lão ăn mày gặp chó dại, nó chưa kịp sủa đã vội “cao chạy xa bay” mất rồi.
Túp lều nổi, nơi hai ông bà Thành, Thủy nương dựa vào nhau tuổi già
Ròng rã suốt 3 năm sống trong túp lều bấp bênh ấy, cặp vợ chồng già đã phải trải qua bao phen hú vía. Đó là những ngày gió bão bập bùng, đến nhà gạch còn lo bị tốc ngói chứ chưa kể đến chiếc bè gỗ lợp ni lông và bao tải.
“Cứ ngày nào mưa là ngày đó hai vợ chồng “được” lên ôm gốc chuối, mưa táp vào mặt, co ro như mèo gặp nước. Nhưng thế vẫn còn hơn ngồi dưới bè, bão nó đánh cho chết chìm lúc nào không biết. Giữa thời bình mà cứ bão đến là chúng tôi lại được chạy như chạy giặc”, giữa làn khói thuốc mờ ảo, ông Thành dụi mắt cười kể.
Trên chiếc thuyền thi thoảng lại dập dềnh, nghiêng ngả bởi sóng vỗ, bà Thủy cũng nhớ lại những ngày đông. Thuở ấy, chưa chăn, chưa chiếu, đêm ông, ông bà vẫn phải chui vào bao tải để tránh rét. Có lần bà ốm, một chiếc bao tải chẳng đủ ấm, ông nhường nốt chiếc bao của mình cho bà rồi ngồi co ro xó cửa, chắn nốt những lỗ thủng nơi tấm ni lông để gió khỏi lùa vào.
Ông Thành, bà Thủy chia sẻ về cuộc sống hiện tại (clip: Hồng Phú)
Kể từ khi về sông Hồng dựng lều, thương bà già yếu, ông Thành cho bà “nghỉ hưu”, một mình cặm cụi nhặt rác mưu sinh. Cứ 10 giờ đêm ông lại cầm bao tải lên đường, men theo cây cầu “vắt qua thế kỷ” vào thành phố nhặt rác đem bán cho cơ sở thu mua phế liệu đến 5 giờ sáng thì trở về nhà.
Nhấp ngụm trà nóng, ông giãi bày: “Giờ lao công mỗi người đều có cái bao bên cạnh để đồ phế liệu, tôi phải đi ban đêm may ra mới nhặt nhạnh được vài thứ, kiếm lấy đôi ba chục nghìn mua gạo. Còn bà ấy thì phải nghỉ thôi, già yếu, xương khớp hỏng hết cả rồi, ở nhà cơm nước, trông nom được con gà, con qué đã là tốt phúc”.
“Có chết cũng phải bám lấy nhau”
Nói về cặp “tình già” đừng mong những mẩu chuyện lãng mạn, ngôn tình kiểu như: suốt hơn 4 thập kỷ qua họ chưa từng một lẫn cãi vã, cho đến cuối đời, ông bà già vẫn dành những điều ngọt ngào cho nhau…
Ban ngày hai ông bà cùng nhau nhâm nhi chén trà, trông nom đàn gà, ban đêm ông Thành xách bao đi nhặt rác
Họ là những người đã phải lang thang, phiêu dạt suốt cả đời người nên cục mịch và chất phác lắm. Lời họ nói ra lục khục như sỏi đá nhưng lại hết mực chân thành.
“Yêu hả? Không, yêu với đương gì cái lúc đói khát ấy. Đó là là tình thương, có thương nhau mới sống chung được đến giờ con ạ”, bà Thủy nói sang sảng giữa đốm lửa tàn bay phấp phới trong căn bếp chưa nổi 1m2.
Còn ông Thành, tiếng rít thuốc vào vừa dứt cũng vội phân trần: “Bà ấy đuổi tôi suốt, hơi tí là dọa cho tôi cái điếu cày vào người, tôi cũng phải 'ngậm đắng nuốt cay' mãi đấy. Nhưng được cái là cơm nước không thiếu một bữa, chưa đến tối đã lo đi thổi cơm, cho tôi ăn rồi nghỉ một tí còn đi làm. Tính bà ấy nóng nảy nhưng dễ chiều và thương chồng”.
Trong nhà ông bà Thành, Thủy, mọi thứ có thể chung đụng nhưng riêng điếu cày thì không. Ông bà tậu hai chiếc giống hệt nhau, kê sẵn đầu giường, những lúc thèm là của ai người ấy hút. Bà bảo, như vậy cho đỡ phải tranh giành nhau.
Căn bếp nhỏ chưa đầy 1m2, nơi bà Thủy hàng ngày cơm nước cho ông Thành
Còn một điều nữa, cũng phải đắn đo mãi chúng tôi mới dám hỏi, đó là chuyện con cái của ông bà. Nhiều người nghĩ, cặp vợ chồng “nhặt” được nhau ở bãi rác này không dám sinh con vì sợ thân mình còn lo chưa nổi nhưng không phải. Suốt bao nhiêu năm tuổi trẻ, ông bà cũng mong muốn có một mụn con nhưng "Khổ thay, con cái chẳng phải cục chì, muốn là nặn được".
Nói đến đây, ông Thành bất giác thở dài: “Số phận bà ấy đúng là thiệt thòi cả đời, đã 'vớ' phải ông chồng rách nát lại chẳng có mụn con. Giá mà tôi có khấm khá thì bà ấy còn được nương nhờ lúc già yếu. Nhưng bà ấy rất thông cảm, chưa bao giờ than vãn nửa lời, tôi quý cái tâm đức của bà ấy là ở chỗ đó”.
“Nghĩ đi phải nghĩ lại, tôi khổ nhưng đầy người còn khổ hơn tôi. Người ta có nhà, có chồng con nhưng cuối đời vẫn phải sống một mình. Còn chúng tôi đây, sống với nhau đến tuổi này rồi thì có chết cũng phải bám lấy nhau, chẳng lo phải cô quạnh”, bà Thủy đáp lại.
Cặp vợ chồng già có thể chung đụng mọi thứ nhưng chiếc điếu cày thì không (Ảnh Hải Lê Cao)
Trời mới xẩm tối, hai ông bà đã rục rịch bảo nhau, người đi nấu cơm, người lùa gà vào chuồng. Nhà ông bà không có điện, chỉ có chiếc ắc quy ô tô cũ thắp điện chưa được 2 ngày đã phải sạc. Mà để sạc được, ông Thành phải lặn lội từ dưới bãi, men theo cầu Long Biên, đạp xe vào tận thành phố sạc nhờ với giá 20.000 đồng/lần.
Rời túp lều nổi hơn 5m2 và bãi giữa, nhiều người phải vấn vướng với tiếng rít thuốc lào giòn giã của ông Thành, tiếng cười khà khà rất hào sảng của bà Thủy và câu chuyện tình đặc biệt của cặp vợ chồng “nhặt” được nhau ở bãi rác.
Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, dù không nhà cửa, không con cái nhưng họ vẫn có được một thứ mà nhiều người mơ ước, đó là tấm chân tình và lời hẹn “có chết cũng phải bám lấy nhau”.
...
Không chỉ được biết đến qua "chuyện tình thế kỷ" với người vợ "nhặt" được ở bãi rác, ông Thành còn nổi tiếng là kẻ "cướp miếng ăn của Hà Bá" dưới chân cầu Long Biên - vớt xác làm phúc cho đời.
Cùng đón đọc phần tiếp theo vào 8:00 ngày 9/4/2016 để hiểu hơn về công việc không phải ai cũng có thể làm của vợ chồng nên duyên từ bãi rác.