Trước một đám đông giận dữ và tuyệt vọng, mọi lý lẽ đều thành thừa thãi. Vì thế, lại có thêm một kẻ trộm chó bị đánh chết ở Bắc Giang hôm qua.
Trộm chó là phạm pháp, đánh, giết kẻ trộm chó cũng là phạm pháp. Những người dân đã đánh chết kẻ trộm chó hôm qua ở Bắc Giang chắc chắn biết điều đó, hiểu được lý lẽ đó. Nhưng kẻ trộm chó vẫn phải chết, bởi mọi lý lẽ đều trở nên thừa thãi khi người ta không còn hy vọng sẽ có được công lý cho con chó của mình.
Hàng vạn con chó bị bắt trộm mỗi năm ở khắp mọi làng quê nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây chỉ có 4 vụ ăn trộm chó bị khởi tố. Trong đó, 3 vụ kẻ trộm chó cũng đồng thời là kẻ giết người, một vụ là trộm chó chuyên nghiệp có tổ chức.
Những kẻ trộm chó độc hành không bao giờ bị khởi tố. Hoặc kẻ trộm dễ dàng chạy thoát và tiêu thụ những con chó trộm được, hoặc với một con chó thì chưa đủ giá trị để cấu thành tội danh, hoặc kẻ trộm bị giết chết trước khi đối mặt với luật pháp.
Luật pháp không đủ sức bảo vệ những con chó, lực lượng an ninh năng lực không bảo vệ những con chó. Những người dân nghèo không có điều kiện tường cao hào sâu, họ chỉ có cơn giận dữ được hình thành bởi nỗi căm giận và sự tuyệt vọng để bảo vệ những con chó của mình. Và những kẻ trộm chó tiếp tục bị giết chết, dẫu ai cũng biết rằng giết kẻ trộm chó cũng là phạm tội.
Cũng tối hôm qua, khi những người dân giận dữ ở một làng quê nghèo của tỉnh Bắc Giang đang hè nhau đánh chết kẻ trộm chó thì trên con đường hiện đại nhất đất nước, những người lái xe giận dữ cũng hè nhau quay ngang xe để gây tắc đường để phản đối tăng phí.
Hai chiếc xe khách chắn đường vì lái xe phản đối thu phí quá cao (ảnh otofun)
Những người lái xe biết hành vi của họ là vi phạm pháp luật. Họ cũng biết cái giá phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do tăng phí. Nhưng, cũng như những người nông dân giết kẻ trộm chó, mọi lý lẽ đều vô giá trị trong cơn giận dữ và tuyệt vọng.
Cố gắng lý giải những hành động mà con người có thể thực hiện trong cơn giận dữ và tuyệt vọng là một điều vô nghĩa, bởi không có bất cứ một giới hạn nào cho cơn giận dữ đó. Vì thế, thay vì tuyên truyền, giáo dục, khuyên nhủ, động viên, hay khép tội những đám đông giận dữ, hãy kiểm soát nguyên nhân gây nên sự giận dữ của đám đông.
Những người dân quê ở Bắc Giang sẽ không giận dữ đến mức giết người chỉ vì một con chó, nếu như họ tin tưởng những kẻ trộm chó sẽ bị luật pháp trừng trị một cách thích đáng, nếu như những kẻ tiêu thụ chó trộm phải hầu tòa, và cơ quan pháp luật mạnh tay với nạn ăn trộm chó.
Những người lái xe ở Hải Phòng sẽ không giận dữ đến mức quay ngang xe để cản trở việc lưu thông của hàng vạn con người, không sẵn sàng chấp nhận tình huống lưỡng bại câu thương khi mọi ngả đường mưu sinh của họ đều bị chặn đứng bởi mức phí áp đặt.
Mọi lý lẽ nhân danh luật pháp, văn hóa, hay đạo đức đều trở thành vô nghĩa trước đám đông giận dữ và tuyệt vọng. Và khi mà những nguyên nhân để hình thành những đám đông giận dữ và tuyệt vọng đó vẫn còn hiện hữu thì những kẻ trộm chó vẫn bị giết, những con đường vẫn bị chắn ngang, và tiếp tục có những người lương thiện phải đi tù vì không còn khả năng lắng nghe lý lẽ.