Về màu sắc
Với giấm gạo thật vì được làm từ tinh bột nên khi đóng vào chai sẽ có hiện tượng kết tủa, tạo nên những vẩn cặn, màu đục hơn. Trong khi đó, giấm pha chế bằng a xít sẽ có màu trong suốt, không có vẩn cặn và dù bảo quản 1 đến 2 năm sẽ vẫn giữ được độ trong. Vì vậy, khi mua các bà nội trợ nên lựa chọn cho mình những chai giấm có mảng kết tủa do xác giấm bị lão hóa và khi lắc thấy bọt trong chai tan chậm ra.
Dựa vào màu sắc để nhận biết giấm gạo thật và giấm pha chế. (Ảnh minh họa)
Về hương vị
Để có hương vị của giấm gạo, trong quá trình pha chế các cơ sở sản xuất giấm pha a xit có bổ sung chất tạo hương nên mùi hương của nó thường là mùi của este hoặc cồn. Đồng thời, nếm giấm pha axit sẽ cho vị chua gắt, hắc.
Còn đối với giấm do lên men tự nhiên sẽ có hương thơm dịu nhẹ và không bay lên ngay khi ta mở nắp. Ngoài ra, giấm gạo đem lại cho vị giác một hỗn hợp chua thanh và ngọt.
Về giá thành
Giấm pha a xit rẻ hơn so với giấm gạo vì a xit Axetic có giá thành rất rẻ. Do đó, các loại giấm kém chất lượng tràn lan trên thị trường chỉ với giá từ 3.000-5.000 đồng/chai 500ml. Ví dụ như, loại axit Axetic đậm đặc của Hàn Quốc dùng trong thực phẩm bán với giá 20.000 đồng/ 1lít với nồng độ 98%, khi các cơ sở sản xuất pha chế xuống còn 3-4% thì sẽ rất rẻ.