Anh Phạm Văn Hùng (thôn Tân Bình, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn) là người tiên phong tiến hành ủ chua thức ăn cho đàn bò của mình, nhờ đó mà đàn bò của gia đình anh phát triển tốt đồng đều qua từng năm.
Anh Hùng cho biết, đầu năm 2015, anh được Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn hỗ trợ máy băm cỏ trị giá gần 7 triệu đồng. Sau khi được tập huấn kiến thức về phương pháp ủ thức ăn trong mùa khô hạn, anh đã bắt tay ngay để thực hiện và mang lại hiệu quả tốt.
Anh Hùng đang thực hiện ủ chua thức ăn dự trữ trong mùa hạn.
Anh chia sẻ, các nguyên liệu (cỏ, ngọn mía, các loại cây đậu, cây mì, cây bắp) được băm nhỏ phơi 1 nắng và ủ chua trong thời gian khoảng 7 ngày sẽ đem ra sử dụng. Thức ăn sau khi ủ có thể dự trữ được trong thời gian 6 tháng.
Cách ủ chua thức ăn được anh Hùng chia sẻ như sau: Ủ theo tỷ lệ 100 kg cây cỏ hoặc thân cây màu trộn với 5kg cám gạo, 0,5kg muối, 1kg đường mật, sau khi trộn bỏ trong túi nilon hoặc thùng nhựa rải đều mỗi lớp cách nhau 20cm.
Theo anh Hùng, mô hình ủ chua thức ăn sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, tiết kiệm chi phí, giảm ngày công lao động, dự trữ được thức ăn lâu dài trong mùa hạn, lại giúp vật nuôi dễ tiêu hóa. Hơn nữa, việc ủ chua thức ăn còn tận dụng được các loại nguyên liệu như cây cỏ, cây mì, cây bắp, cây mía, cây đậu có sẵn ngay tại địa phương. Loại thức ăn này đang được bò, dê, cừu ưa thích. Đã có rất nhiều hộ trên địa bàn xã tiếp cận mô hình này.
Theo UBND xã Hòa Sơn, nguyên liệu để thực hiện ủ chua tại địa phương rất phong phú nhất là sau những đợt thu hoạch. Mô hình ủ chua thức ăn rất phù hợp cho các hộ chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình và trang trại. Hiện nay, đã có 4 hộ thực hiện mô hình, trong thời gian tới sẽ nhân rộng hơn nữa cho các nông dân. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ nông dân áp dụng mô hình này. Đây là chương trình phát triển kinh tế ổn định mang lại nguồn thu nhập chính đáng cho người dân.