Dân Việt

Hậu Giang: Dân khát, hàng chục trạm cấp nước “trùm mền”

Thanh Duy 09/04/2016 09:32 GMT+7
Trong khi nhiều vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long đang “khát” nước sạch để sinh hoạt, thì nhiều năm qua, hàng chục trạm cấp nước sạch mini tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được đầu tư hàng tỷ đồng lại bị bỏ hoang, gỉ sét.

Lãng phí

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có 68 trạm cấp nước (thuộc quản lý của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh Hậu Giang), trong đó có 11 trạm cấp nước tập trung, quy mô 70- 80m3/giờ, mỗi trạm có thể đáp ứng cho khoảng 1.500- 2.000 hộ sử dụng; 56 trạm cấp nước mini quy mô 5m3/giờ, mỗi trạm cung cấp cho 100- 120 hộ sử dụng. Nếu các nhà máy này hoạt động tốt, hết công suất thì cũng chỉ mới đáp ứng cho 48% nhu cầu sử dụng nước của người dân ở Phụng Hiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế trong 56 trạm cấp nước mini hiện có thì có đến 26 trạm đã “trùm mền” và không hoạt động hiệu quả từ nhiều năm qua. Nếu thời điểm năm 2003, mỗi cây nước mini được xây dựng với kinh phí trên 200 triệu đồng, thì 26 trạm cấp nước trị giá trên 5 tỷ đồng được đầu tư phản tác dụng. Đơn cử như trạm cấp nước ấp Tân Phú B2, xã Tân Phước được xây dựng từ năm 2003, khi hoàn thành đã đáp ứng được mong mỏi của gần 100 hộ ở khu vực này. Thế nhưng chỉ sau một năm hoạt động hiệu quả, thì nhưng năm tiếp theo chỉ hoạt động cầm chừng, và ngừng hoạt động hẳn trong khoảng 2 năm trở lại đây.

img

 Hàng chục cây nước bị bỏ hoang ở huyện Phụng Hiệp khiến người dân không có nước sạch
sử dụng.  Ảnh: Thanh Duy

Hiện nay ngành đang tiến hành khảo sát lại, ở những cây nước nào không hoạt động sẽ tiến hành thanh lý. Vì hiện nay những cây nước mini đã không còn phù hợp với tình hình và điều kiện mới”.

Ông Nguyễn Văn Lòng

Ông Nguyễn Hồng Phước, người dân ấp Tân Phú B2 cho biết: “Cây nước hoạt động trong năm đầu rất tốt, sang năm thứ hai thì bắt đầu hư hỏng. Người dân báo hỏng thì có xuống sửa được mấy lần. Nhưng sau đó không còn thấy sửa nữa. Do cây nước không hoạt động trong thời gian dài, buộc người dân phải vay tiền khoan giếng nước để tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày, nhưng cũng chỉ tắm giặt vì nước nhiễm phèn rất nặng”.

Xã Tân Phước Hưng hiện có 8 trạm nước mini, nhưng gần như 100% đều không thể hoạt động được. Nằm cách trạm cấp nước ấp Tân Phú A2 chưa đầy 50m, nhưng vì trạm cấp nước không hoạt động, mà gần 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Quê ở ấp Tân Phú A2 phải sử dụng nước sông để sinh hoạt hàng ngày. “Cây nước xây xong rồi hư không sử dụng được. Nhà có tiền thì khoan giếng nước sử dụng, còn gia đình không có tiền thì phải sử dụng nước sông, dù biết rằng là dơ”- bà Quê nói.

Mỏi mòn chờ nước sạch

“Một số hộ được tiếp cận nguồn vốn thì khoan giếng nước sử dụng, còn những hộ khác thì sử dụng nước sông trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng với tình hình nước mặn đang về cùng với khô hạn như hiện nay thì không biết lấy nước ngọt đâu mà sử dụng” - ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng lo lắng.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 2 đơn vị cung cấp nước cho dân là Trung tâm và Công ty Công trình đô thị huyện Phụng Hiệp. Nhưng hai đơn vị này cộng lại chỉ đảm bảo khoảng 48% nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân Phụng Hiệp. Ông Nguyễn Thế Tự- Phó phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho rằng: “Tuy nhiên bao nhiêu đây là chưa đủ, vì thực tế trong đợt khô hạn này, nhu cầu sử dụng nước trong dân là rất lớn. Chính vì thế những cây nước bị hư, đề nghị Trung tâm NS-VSMTNT cần có giải pháp khắc phục để phục vụ nước sạch cho người dân sử dụng”.

Về việc hàng chục trạm cung cấp nước mini không phát huy tác dụng, ông Nguyễn Văn Lòng- Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT cho biết: “Đa phần cây nước bị hư hoặc hoạt động không hiệu quả là do các công trình khác làm hư đường ống dẫn nước, mặt khác một số trạm do thiếu người quản lý nên cũng không thể hoạt động”.