Trong đơn gửi đến PV Dân Việt, nhiều phụ nữ thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến buôn bán tại suối Voi cho biết, cách đây hơn 20 năm, khi suối Voi còn ít người biết đến, họ vào đây bán hàng rong kiếm sống qua ngày. Về sau, để việc buôn bán thuận lợi hơn, các hộ dân vay mượn tiền phá đá, cải tạo mặt bằng để dựng lều quán và làm đường đi cho khách vào tắm suối. Trong quá trình thực hiện buôn bán, người dân đóng đầy đủ các khoản thuế theo quy định.
Cách đây 7 năm, chính quyền xã Lộc Tiến bắt đầu thu phí mặt bằng đối với các hộ buôn bán ở suối Voi. Lúc đầu, xã thu phí mặt bằng với mức thu hợp lý nên được người dân đồng tình. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xã liên tục đẩy mức thu phí mặt bằng lên cao chóng mặt khiến người dân khốn đốn.
Một phụ nữ buôn bán tại suối Voi (xin giấu tên) cho biết: "Chúng tôi vì không có công ăn việc làm nên phải vào đây buôn bán lặt vặt để kiếm sống. Việc buôn bán chỉ thực hiện được trong khoảng 3 tháng mùa hè và rất bấp bênh, vì chỉ cần gặp trận mưa lớn là hàng quán bị nước cuốn phăng tất cả, phải dựng lại từ đầu. Hàng năm, chúng tôi phải tốn rất nhiều công sức để tự cải tạo mặt bằng, dựng quán, còn chính quyền xã không làm bất cứ việc gì. Xã thu tiền mặt bằng chúng tôi chấp hành, nhưng ở đây họ thu kiểu “cắt cổ”, chúng tôi không gánh nổi”.
Người dân buôn bán tại suối Voi phải chịu phí mặt bằng “cắt cổ”, trong khi việc buôn bán gặp nhiều rủi ro. A.S
Theo các hộ kinh doanh tại suối Voi, tiền phí mặt bằng mà chính quyền xã buộc họ phải đóng liên tục tăng cao sau mỗi năm. Đơn cử như trường hợp của chị M. Theo chị này, năm 2014 chị chỉ phải đóng 5 triệu đồng tiền phí mặt bằng, năm 2015 xã tăng lên 8,5 triệu đồng và đến năm nay tăng lên 17 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản thuế phải đóng cũng ngày càng tăng lên.
“Mỗi năm chúng tôi chỉ buôn bán tại suối Voi được thời gian ngắn, trong khi lượng khách đến đây ngày càng ít do nhiều điểm du lịch mới ra đời nên cuộc sống rất khó khăn”- chị M nói.
Năm 2015 hộ dân này đóng tiền mặt bằng 8,5 triệu đồng nhưng năm nay tăng lên 17 triệu đồng. A.S
Theo tìm hiểu của PV, năm 2016, UBND xã Lộc Tiến đề ra mức phí mặt bằng đối với các hộ buôn bán với suối Voi với mức từ 15-22 triệu đồng/hộ (tùy từng vị trí), cao hơn nhiều so với mức thu trước đây. Trong khi đó, phiếu thu tiền của xã giao cho dân không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng cũng như thủ quỹ, nên người dân cho rằng có sự mập mờ trong thu chi.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vương Đình Cẩm- Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, việc thu phí mặt bằng đối với các hộ buôn bán tại suối Voi là do xã tự đưa ra. Theo ông Cẩm, chủ trương thu phí mặt bằng của xã là dựa trên chỉ tiêu ngân sách huyện giao và hàng năm chỉ tăng 20%. Tuy nhiên, căn cứ vào danh sách thu tiền mặt bằng của xã, chúng tôi thấy mức thu liên tục tăng cao hơn con số mà ông Cẩm nói. Khi PV đề nghị tiếp cận các khoản chi từ nguồn thu trên thì ông Cẩm khất lần.
Theo ông Hoàng Văn Đề- Trưởng phòng Tài chính huyện Phú Lộc, năm nay, UBND huyện Phú Lộc chỉ giao cho xã Lộc Tiến thu hoa lợi công sản (thu tiền từ việc cho dân buôn bán tại điểm du lịch, công cộng) gần 100 triệu đồng. Ông Đề nói, khoản tiền này xã Lộc Tiến thu từ nhiều chỗ chứ không phải chỉ riêng tại suối Voi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, chỉ riêng khoản tiền mặt bằng mà chính quyền xã Lộc Tiến buộc các hộ buôn bán tại suối Voi phải đóng trong năm nay đã là 435 triệu đồng (!?)