Thực phẩm của chúng ta hiện nay nói chung là không an toàn, đã đến cái ngưỡng nguy hiểm. Nói đa số thực phẩm an toàn là mắc bệnh quan liêu, giấy tờ. Căn cứ vào báo cáo cấp dưới, cấp dưới lại căn cứ vào báo cáo cấp dưới nữa, dưới nữa. Dân thì đã biết nhau cả rồi. Kiểm tra, thậm chí cả xét nghiệm ở cơ sở thường được bôi rất trơn tru, chỉ bằng cái phong bì, thậm chí một bát phở miễn phí hay thường xuyên miễn phí nếu kiểm tra an toàn thực phẩm một quán phở.
Khâu xét nghiệm, kiểm tra thực phẩm bằng sự công minh và công cụ khoa học đã được thay bằng phong bì hay hiện vật. Nói thẳng ra, hối lộ vặt để được bỏ qua mọi sự đã khá phổ biến. Mất vệ sinh trong chế biến, cất giữ, bày bán. Thực phẩm bẩn từ gốc hay thiu thối được tái sinh bằng hóa chất, dư thừa kháng sinh, dính vi khuẩn độc hại như ecoli, như thương hàn do rửa nước thải từ miệng cống hay nước sông Tô Lịch thì ngay cả người bán cũng không biết huống gì cán bộ kiểm tra!
Xí xóa cho nhau vì ta vẫn có thói quen “thương xót người nghèo, buôn thúng bán mẹt”, họ đâu có vốn đầu tư khâu vệ sinh. Thông cảm cho nông dân, không đưa rau ra rửa ao làng hay đầu cống xả như ở Hà Đông thì rửa ở đâu bây giờ? Lại cũng vì, nói quá đi xin đừng phiền lòng con Rồng cháu Tiên, hình như người mình quen mắt quen mũi, ít nhận ra cái sự bẩn! Có sẵn câu “ở bẩn sống lâu” mà!
Đầu têu thực phẩm bẩn, nguy hại là từ Trung Quốc. Cách đây hàng chục năm, người Mỹ đã viết sách “Chết dưới tay Trung Quốc”, không phải vì họ thù hằn gì hay dìm hàng phe XHCN mà chỉ để cảnh báo một sự thật. Hàng chục năm sau, cái chết được báo trước một cách kinh hãi ấy đang hoành hoành xứ ta. Đúng là nhiều thứ bẩn, nhiều mẹo chế tạo thực phẩm bẩn độc hại như vét mỡ trong đường ống cống chẳng hạn có nguồn từ Trung Quốc.
Nhưng cũng xin đừng đổ hết cho Trung Quốc. Đổ cho họ thì họ sẽ bảo đó là do kỹ nghệ hóa chất phát triển chưa từng có và thương lái chợ hóa chất Kim Biên. Cần cảnh giác nhưng cũng còn quá sớm để nói có một kế hoạch sinh học hại nhau về lâu về dài. Còn người Việt thì học theo rất nhanh, kể cả học theo sự suy đồi lương tâm và văn hóa miễn là có lợi. Chính người Việt, tối mắt vì lợi, vì thiếu hiểu biết nữa, đã làm ô nhiễm thực phẩm do mình sản xuất ra hoặc nhắm mắt nhập vô tội vạ bất kỳ thứ gì có thể bán một vốn bốn lời tràn vào từ biên giới phía Bắc. Cả nông dân lẫn tiểu thương đều góp phần tích cực vào nạn thực phẩm bẩn hiện nay.
Còn cán bộ thì sao? Phải nói là có nhiều bộ, nhiều ngành coi sóc chuyện này, bộ nào cũng có vụ này cục nọ nhưng chưa thấy ai làm được chuyện gì có hiệu quả ngoài chuyện viết báo cáo mỹ miều “đa số an toàn” lên bộ trưởng, hoặc đăng đàn TV than thân trách phận, có vẻ vô can như dân đen chúng ta. Hoặc ngó mắt làm ngơ, ở Hang Dơi, ở chợ hóa chất Kim Biên Chợ Lớn, nhậu cái đã!
Măng tươi bị ngâm tẩm trong hóa chất vàng ô để tạo màu vàng.
Dân có quyền đặt câu hỏi: dễ có đến hàng ngàn ông bà lương cao bổng hậu, chuyên lo an toàn thực phẩm bao nhiêu năm nay mà chợ vẫn đầy rau muống đẫm dầu nhớt, măng tươi vàng hóa chất, dấm axit pha nước giếng khoan hay thịt lợn sề gắn mác thịt bò là sao? Tại sao chúng ta vẫn chưa có phổ biến những địa chỉ thực phẩm sạch đáng tin cậy và bền vững, không chỉ trong các siêu thị mà trong các chợ, các khu phố và cả làng quê?
Vi khuẩn phát triển nhanh theo cấp số nhân và vô thường, chúng không chờ những cái đầu trì trệ, lười biếng, vô trách nhiệm vô cảm và bảo thủ. Người đóng thuế thiệt đơn thiệt kép: vừa phải trả lương vừa ăn đổ bẩn. Hệ thống bảo vệ an toàn thực phẩm kém cập nhật tình hình và bất lực, thậm chí có thể nghi ngờ là dối trá.
Xin đừng hỏi vì sao số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang vào loại hàng đầu thế giới. Cũng xin đừng hốt hoảng cảnh báo đại dịch ung thư sẽ xảy ra trên đất nước ta trong tương lai không xa. Xin hãy đặt một câu hỏi đạo lý: chúng ta đang ăn để sống để duy trì cuộc sống mạnh khỏe cho muôn đời con cháu mai sau hay chúng ta đang ăn để chết?
Dân chúng đang thiếu quá nhiều thông tin cần thiết về thực phẩm an toàn. Thông tin về thực phẩm và những vấn đề xung quanh về đến nông thôn còn rất hạn chế. Nó hạn chế bởi bộ lọc nhiều khi không thông minh chút nào của truyền hình nên gây hại (như vụ ăn bưởi bị ung thư năm nào). Nông dân có thói quen “mách bảo nhau”, tin lời bạn phường, thương lái. Cho nên khi ngó lơ để con buôn Trung Quốc đến tận làng mua bán, người nông dân thiếu thông tin rất dễ sa vào bẫy. Bẫy khoai lang, bẫy móng bò, rễ hồi, bẫy đỉa trâu…
Thiếu thông tin về sự độc hại của thực phẩm bẩn, về tác động của một loại hóa chất hay kháng sinh dư thừa, về những căn bệnh mà chính ngay người nông dân dù đã cẩn thận trồng riêng, nuôi riêng thực phẩm cho người nhà ăn vẫn không thoát được lưỡi hái tử thần do môi trường độc hại không chừa riêng ai. Và cái thiếu thông tin lớn nhất, nguy hại nhất là khi người ta không hiểu được rằng: Nếu lương tâm mỗi người bị suy đồi thì xã hội sẽ không còn có thể tồn tại.
Chúng ta ăn để sống chứ không phải để chết!