Chiếc nhẫn đã trở thành biểu tượng quan trọng của lời hứa hẹn và tình yêu. Khi các cặp đôi có ý định kết hôn, nhẫn cưới sẽ trở thành vật gắn kết họ với nhau không rời.
Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao nhẫn đính hôn thường được đeo ở tay trái chưa? Đằng sau phong tục này là cả một câu chuyện đã có từ xa xưa.
Phụ nữ thời La Mã cổ đại đeo nhẫn ở bàn tay trái vì họ tin rằng ở đó sẽ gần với các "vena amoris" hay còn được gọi là tĩnh mạch của tình yêu hơn
1. Gần mạch của tình yêu hơn
Việc đeo nhẫn cưới ở tay trái được cho là xuất phát từ thời La Mã cổ đại. Tuy nhiên khi đó, chiếc nhẫn không nhất thiết tượng trưng cho nghi thức kết hôn. Nó cũng tượng trưng cho cả tình bạn và tình cảm nói chung. Phụ nữ thường đeo chúng ở bàn tay trái vì họ tin rằng ở đó sẽ gần với các "vena amoris" hay còn được gọi là tĩnh mạch của tình yêu hơn, trực tiếp kết nối với tim nhanh hơn.
Tuy nhiên, về sau, điều này đã được khoa học chứng minh là không đúng. Dù vậy, việc đeo nhẫn cưới ở ngón tay trái cũng đã trở thành một phong tục, một thói quen truyền từ đời này qua đời khác.
Ngày nay, nhiều người đã bắt đầu có những lựa chọn khác, miễn sao phù hợp với sở thích của họ. Do đó, họ không còn nhất thiết phải bắt buộc đeo nhẫn cưới ở ngón tay trái. Nhiều người đã chuyển nhẫn cưới sang đeo ở tay phải. Nhiều người nổi tiếng còn xăm hình nhẫn lên ngón tay thay vì đeo nhẫn. Dù ở bất cứ hình thức nào đi chăng nữa, chúng cũng đều là biểu tượng của hôn nhân, của tình yêu.
2. Nhẫn đính hôn còn được coi là biểu tượng của thời gian chờ đợi trước khi kết hôn
Vào năm 1215, Đức Giáo hoàng Innocent III thời Trung cổ đã yêu cầu rằng cần có một thời gian chờ đợi nhất định giữa lúc hứa hôn và đám cưới. Do đó, chiếc nhẫn đã được sử dụng để thể hiện cam kết, hẹn thề giữa các cặp đôi với nhau hoặc để chỉ ý định kết hôn của họ.
Bên cạnh đó, nhẫn đính hôn cũng thể hiện thứ hạng của mọi người trong xã hội. Thời đó, chỉ có tầng lớp thượng lưu mới được dùng nhẫn có kiểu dáng cầu kỳ, lạ mắt, sang trọng.