Dân Việt

Bí kíp chọn nấm tươi an toàn

Lê San 10/04/2016 06:00 GMT+7
Nấm Việt hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/10 nhu cầu của người dân trong nước. Vì vậy, thực tế trên thị trường hiện trà trộn một số sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Quỳnh – Giám đốc công ty cổ phần Nấm Việt.

Với kinh nghiệm của người đứng đầu một đơn vị chuyên sản xuất nấm có thâm niên gần 10 năm qua, anh Quỳnh chia sẻ với bạn đọc Dân Việt một vài bí quyết giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn những sản phẩm nấm tươi an toàn cho bữa ăn gia đình.

Theo anh Quỳnh, trước tiên cần khẳng định nấm phải được trồng trong môi trường sạch, không phân bón, không thuốc sát trùng, nước tưới cũng phải sạch. Dù cho xuất xứ ở đâu cũng phải theo quy trình sạch cây nấm mới lên được. Vấn đề được đặt ra là ta phải phân biệt nấm an toàn với nấm không an toàn. Theo đó, người tiêu dùng chỉ có thể phân biệt được sản phẩm an toàn hay không ở khâu vận chuyển và bảo quản.

Thứ nhất, các sản phẩm nấm thông thường chỉ có thể bảo quản từ 5-7 ngày sau khi thu hoạch trong điều kiện bảo quản lạnh. Tuỳ theo độ khối, hình dạng dày, mỏng của nấm mà mức độ hư hỏng sẽ khác nhau. Ví dụ như nấm kim châm sẽ mau hỏng hơn so với nấm đùi gà, nấm mỡ.Thông thường sau 5 ngày, nấm đã có dấu hiệu chảy nhớt, hỏng. Trong điều kiện bảo quản phòng lạnh, cũng chỉ được một tuần. Trong khi đó, điều đáng ngại là ở chợ hiện xuất hiện một số sản phẩm nấm với mác nhập khẩu được bày bán trong điều kiện thường và vẫn tươi rói.

img

Các sản phẩm nấm của anh Nguyễn Ngọc Quỳnh thường chỉ được bán trong vòng 5 -7 ngày. L.S

Thứ hai, khi nấm chuyển sang màu vàng, trong túi có tiết chất nhờn, bốc mùi khó chịu, hoặc rễ nấm bở bóp vỡ vụn, chân không còn chặt là dấu hiệu nấm đang bị hư hỏng, người tiêu dùng tuyệt đối không nên sử dụng. Nấm tươi nếu để quá hạn sẽ tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh và các kí sinh trùng, đặc biệt có những loại độc tố nguy hiểm, có thể gây nguy cơ ngộ độc, thậm chí ung thư.

Thứ ba, nấm trồng ra ăn ngay không có chất bảo quản sẽ có mùi hăng đặc trưng của nấm. Mỗi loại sẽ có mùi dịu nhẹ chứ không chỉ có một mùi, kiểu thơm nồng khi có thuốc bảo quản.

Cũng theo anh Quỳnh, hiện nay ở Việt Nam đã sản xuất được hầu hết các loại nấm bán ra thị trường nhưng số lượng vẫn rất hạn chế. Như loại nấm kim châm, là nấm rất được ưa chuộng trên thị trường, mỗi ngày phải tiêu thụ được hơn 120 tạ nhưng sức sản xuất của chúng ta mới bằng một phần mười. Còn nấm mỡ ở ngoài Bắc cũng chỉ có một vài công ty như công ty Mirakami của Nhật, công ty Long Triều ở Quảng Ninh. Nói như vậy để biết là tìm sản phẩm nấm sản xuất trong nước cũng khá khó khăn và giá thành thường cao hơn gấp 3 lần so với sản phẩm nhập khẩu. Đơn cử như nấm kim châm đã có giá 125.000 đồng/kg trong khi ở chợ có thể mua chưa đến 50.000 đồng.

img

Nấm kim châm sản xuất trong nước thường có rễ trắng, mọc không đồng đều. L.S

Vì vậy, người tiêu dùng cũng nên cảnh giác, có thể vì lợi nhuận, trên thị trường sẽ xuất hiện hàng nhái, hàng nhập khẩu nhưng đóng nhãn mác Việt Nam. Để phân biệt nấm trong nước và nấm nhập khẩu, người tiêu dùng có thể quan sát. Chẳng hạn nấm kim châm sản xuất trong nước thì mẫu mã sẽ không đều đo trồng trong chai nhựa, được để mọc tự nhiên, chân rễ trắng. Còn với nấm nhập khẩu thì thường rễ đen và mọc theo cụm nên sẽ đẹp hơn. Nấm đùi gà, nấm hương trồng trong nước, chân nấm còn nguyên, phần mũ sẽ to vì chưa điều chỉnh được, mẫu mã cũng xấu hơn.