Dân Việt

Yêu cầu tăng nguồn cung cho thị trường

19/07/2011 13:26 GMT+7
(Dân Việt) - Nhằm hạ nhiệt giá thực phẩm đang tăng cao, trong buổi họp chiều 18.7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu, trong thời điểm này nhất thiết phải huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong bình ổn giá, ngành nông nghiệp cần tập trung vào một số mặt hàng chính như gạo, muối, đường, rau, thủy sản, đặc biệt là thịt lợn.

Chênh lệch giá giữa các vùng miền

Theo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 2,46 triệu tấn (tương đương 1,681 triệu tấn thịt xẻ), tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó thịt lợn và thịt gia cầm chiếm trên 90%.

img
Giá thịt lợn trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh chụp tại một chợ ngoại thành Hà Nội chiều 18.7.

Bà Trần Thị Miêng - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối lý giải rằng, về lý thuyết, cân đối với lượng tiêu thụ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, giá các sản phẩm chăn nuôi, nhất là giá thịt lợn có sự biến động lớn, nhất là tháng 5, tháng 6 và đầu tháng 7. Thực tế, việc tăng giá này có sự chênh lệch khá lớn giữa miền Nam và miền Bắc.

Trong khi giá thịt lợn hơi xuất chuồng ở miền Bắc tăng 54,1% thì giá lợn hơi ở miền Nam tăng 71,2%. Tương ứng, giá gà công nghiệp lông trắng miền Bắc với miền Nam tăng 47,9-102,2%; giá thịt bò hơi tăng 39,3% so với đầu năm tùy loại.

Dù giá thịt hơi, thịt xẻ thời điểm này đã lên đến đỉnh do thiếu nguồn cung, nhưng bà Miêng vẫn cho rằng, nguồn cung trong nước 6 tháng cuối năm vẫn đảm bảo nhu cầu trong nước và dự báo sẽ thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn 6 tháng đầu năm từ 10-15% và tăng nhẹ trong các tháng cuối năm.

img Mặt hàng thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý I khá lớn nhưng sang quý II đã giảm hẳn, rõ rệt nhất là 2 tuần gần đây do giá thịt lợn trong nước đã cao ngang bằng với bạn. img

Bà Trần Thị Miêng - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối

Ngoài thịt lợn, giá rau xanh cũng đã được mổ xẻ khá kỹ lưỡng tại cuộc họp. Một thực tế dễ nhận biết nhưng ít khi xảy ra là so với TP.Hồ Chí Minh, giá rau xanh ở TP. Hà Nội lại "tăng chóng mặt". Ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, từ cuối tháng 6 đến nay, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc, giá rau cải tăng từ 10.000-12.000 đồng/kg lên 15.000-20.000 đồng/kg; cà chua từ 6.000 đồng/kg lên 12.000-15.000 đồng/kg/…

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, giá rau chỉ tăng từ 10-25% tùy chủng loại. Đặc biệt, do mở rộng diện tích trồng rau (tăng 83.406ha) nên hiện nguồn cung rau vẫn khá dồi dào. Ông Quảng cho rằng, bão số 2, cùng với nắng nóng kéo dài… nên diện tích rau bị chết và héo nhiều, vì thế nguồn cung bị giảm, giá tăng là tất yếu.

Tăng tín dụng để tái sản xuất

Để bình ổn giá thực phẩm, nhiều ý kiến đề xuất phải đẩy mạnh nguồn cung. Tuy nhiên, việc vay vốn tái đàn đang là bài toán khó của ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Các chủ trang trại chăn nuôi đang phải đối mặt hàng loạt rào cản về vốn như khó tiếp cận nguồn vốn, ngân hàng ngại cho vay vì sợ rủi ro hoặc có chủ trang trại vay được thì nguồn vốn cũng rất hạn chế, khó khôi phục được chăn nuôi".

Thậm chí, theo ông Giao, nhiều chủ trang trại hiện còn thiếu hoặc không có thức ăn để chăn nuôi vì các doanh nghiệp không bán chịu hoặc không đủ tiềm lực tài chính để bán.

Về vấn đề vay vốn, bà Trần Thị Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước VN) cho rằng: Nhiều ngân hàng có đề án hoặc chính sách cho vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và mức tăng trưởng hàng năm liên tục tăng.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Giúp dân an tâm tái đàn

Nguồn cung tăng chậm so với nhu cầu có tính chất thời điểm do dịch bệnh, các yếu tố đầu vào tăng cao, những vướng mắc về vốn vay… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cả tăng đột biến như hiện nay, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn. Ngành thú y cần tích cực hơn trong kiểm soát dịch bệnh, công bố những thông tin để người dân an tâm tái đàn, tránh xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung như hiện nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn để làm rõ việc vay vốn phục vụ ngành nghề gì, mục đích kinh doanh và tính khả thi… "Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng với ngành nông nghiệp để cùng phát triển nhưng muốn vậy, sản xuất phải đi trước, trong đó xác định việc quy hoạch, mô hình sản xuất… trên cơ sở đó chúng tôi sẽ có hình thức cho vay phù hợp"- bà Hạnh nhấn mạnh.

Về những vướng mắc về vốn, lãi suất cho vay, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn: "Đầu tư cho nông nghiệp ngày càng lớn, nhất là chăn nuôi. Do đó, người chăn nuôi cần được vay với số vốn lớn hơn, thủ tục thuận lợi hơn.

Về phía Bộ NNPTNT, tôi sẽ chỉ đạo các địa phương báo cáo nhanh nhất phương án tái đàn, về tình trạng vay vốn tái sản xuất hiện nay để ngân hàng có biện pháp giải ngân nguồn vốn cho nông dân".

Ông Phát cũng chỉ đạo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối có báo cáo đầy đủ để Bộ NNPTNT chính thức báo cáo Chính phủ về tình hình tăng giá thực phẩm, cùng với các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ khó khăn, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.