Nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng hay nông dân cả nước ta nói chung còn có tập quán đốt rơm rạ trên ruộng lúa (hay còn gọi là đốt đồng) trước khi đi vào vụ mới nhất là vụ lúa tiếp theo vụ đông xuân (xuân hè hay hè thu). Ở ĐBSCL, nông dân thường tranh thủ đốt đồng sớm để sạ vụ lúa xuân hè không làm đất (sạ chay đốt đồng) hoặc sạ lấp vụ (vụ thu đông) trong những ngày khô nắng đầu vụ vì nếu chậm trể thì kéo dài thời gian và mưa xuống thì khó khăn trong việc vệ sinh đồng ruộng.
Việc đốt đồng lợi hay hại? Nên hay không nên? Chúng ta có thể thảo luận sau đây:
Ưu điểm của việc đốt rơm rạ:
- Giải phóng nhanh mặt bằng đồng ruộng cho việc thiết lập cây trồng mới/vụ mới.
- Tiêu diệt một số côn trùng, mầm bệnh, cỏ dại.
- Không tốn kém công di chuyển trong điều kiện rơm rạ không có mục đích sử dụng khác, mất giá trị (ví dụ không dùng làm nấm do giá nấm quá thấp…).
Nhược điểm của việc đốt rơm rạ:
1. Gây ô nhiểm môi trường:
Chúng ta biết rằng nguồn để tạo ra hiệu ứng nhà kính trong nông nghiệp bao gồm cả hai quá trình sinh học và việc đốt cháy tàn dư cây trồng cũng như đốt nhiên liệu cho các máy nông nghiệp. Trong đó tạo ra các khí carbon dioxit (CO2), metan (CH4) và Nitơ ôxit (N2O).
Việc giảm thiểu đốt rơm rạ hoặc tàn dư cây trồng giúp giảm thiểu sản sinh ra các khí hiệu ứng nhà kính như CO2, N2O và CH4 rất có ý nghĩa. Song song đó, việc khuyến áo áp dụng kỹ thuật canh tác không làm đất (no-tillage) cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu diesel và giảm khí hiệu ứng nhà kính nói rên.
2. Lãng phí một khối lượng rơm rạ: thay vì sẽ dùng cho các mục đích khác như ủ phân, làm nấm rơm, làm giấy, ủ thức ăn gia súc, đặc biệt là che phủ đất trồng rau, màu mà nhiều vùng rất cần.
Các giải pháp thay thế cho việc không đốt rơm rạ trên đồng ruộng:
1. Vùi rơm rạ vào đất:
Việc này vừa có ưu điểm, lại vừa có một số tồn tại cần nắm vững như sau:
Đồng ruộng phát ra khí metan, một khí nhà kính sinh ra khi tưới ngập, và sự phát ra gia tăng khi rơm rạ được trộn vào đất. Khi sự phát tán khi metan (CH4) gia tăng sẽ gia tăng hiệu ứng nhà kính. Đất trồng lúa có thể cô lập hoặc giữ chặt nhiều khí carbon hơn khi rơm rạ được phối trộn và nông dân có thể thu thêm lợi nhuận cho sự gia tăng về Carbon (C) trong đất.
Tuy nhiên, cần chú ý áp lực của cỏ dại và bệnh lúa có thể gia tăng khi rơm rạ được vùi vào đất và có thể gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Để khắc phục các tình trạng này nông dân cần phải chú ý xử lý kết hợp các chế phẩm phân hủy rơm rạ hiện nay có khá nhiều, chẳng hạn như Trichoderma dạng bột hòa tan, phun xịt trực tiếp vào bề mặt rơm rạ, giúp xử lý rơm rạ nhanh, rẻ tiền, hiệu quả cao trong điều kiện sản xuất ở ĐBSCL, chế phẩm này có nguồn gốc sinh học, là sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, góp phần bảo vệ sinh thái.
Vùi rơm rạ vào đất lợi ích giúp duy trì đạm (N) và C trong đất. Việc vùi phế phẩm rơm rạ có ưu điểm làm cho đất sẵn sàng có nhiều N hơn từ vật chất hữu cơ trong đất. Lượng N thêm vào sẽ được giữ lại trong đất và vật chất hữu cơ trong đất trở thành nguồn quan trọng của N sẵn có cho vụ lúa tiếp theo. Vì thế, vùi rơm rạ vào đất có thể trở thành lợi ích bền vững lâu dài về nguồn cung cấp N.
2. Dùng làm thức ăn gia súc, làm nấm, phủ đất trồng rau, màu:
Phương pháp thay thế đốt rơm rạ được cho là bền vững bằng một trong những sự sử dụng khác của rơm rạ là làm thức ăn gia súc nơi mà thức ăn gia súc khan hiếm hoặc bán cho người dùng phủ đất trồng rau, màu, làm nấm…
Việc tận dụng rơm rạ này cần phải liên kết các máy thu hoạch, máy cuộn rơm để giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng. Hiện nay, nước ta đã phổ biến nhiều loại máy cuộn rơm sau thu hoạch rất có hiệu quả.
3. Sản xuất ethanol từ rơm rạ:
Tại Mỹ, rơm rạ của nông dân sản xuất lúa được một công ty thu gom và chế biến thành một khối lượng lớn ethanol và silicat sodium.
4. Sản xuất giấy từ rơm rạ:
Để khắc phục thiệt hại do đốt rơm rạ ở Mỹ và nhiều nước tiên tiến đã phổ biến công nghệ để biến rơm rạ của nông dân thành giấy. Nhiều công ty có kinh nghiệm trong việc biến phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ trở thành giấy chất lượng cao.