“Thương mại dự do thực chất không hề tự do. Và chúng ta phải làm rất nhiều việc để giành được sự tự do này”, ông Nestor Scherbey - Cố vấn cấp cao liên minh thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) nhấn mạnh tại hội nghị Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam 2016 (Vietnam Leadership Summit 2016).
Việt Nam không phải là một nước lớn, nhưng không hề thua kém bất cứ quốc gia nào trong công cuộc hội nhập.
Chúng ta đã ký kết hoặc đang đàm phán tới 7 hiệp định thương mại tự do kiểu mới. Trong đó, đáng kể nhất có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA Việt Nam – EU), FTA Việt Nam – Hàn Quốc…
Nhưng thực tế, những cái gọi là “tự do” trong các hiệp định thực chất không hề tự do.
Nói đến các hiệp định thương mại, chúng ta nói nhiều đến ưu đãi thuế, nhưng để được hưởng những mức thuế ưu đãi đó chúng ta cũng phải hết sức chật vật.
Với TPP, để xuất khẩu một sản phẩm sang các nước thành viên, chúng ta đều phải trả lời câu hỏi: Có bao nhiêu thành phần, nguyên phụ liệu dùng để sản xuất ra một sản phẩm này? Các thành phần này xuất xứ từ đâu? Mã số HS của từng nguyên phụ liệu tạo nên sản phẩm là gì?...
“Hầu hết các quy định phức tạp trong hệ thống phân loại thuế quan, hay mã số HS, định giá hải quan… đều được xáo trộn một cách mới lạ để đưa vào quy tắc xuất xứ của TPP”, ông Nestor cảnh báo.
Cố vấn cấp cao của VTFA cũng phải thừa nhận rằng không tài nào nhớ nổi toàn bộ nội dung của TPP khi toàn văn TPP gồm 5.544 trang, lúc in ra sẽ có một chồng văn bản cao gần 1 mét, nặng 45kg…
Còn với AEC và các FTA khác, các nước thành viên đang dựng lên một loạt các rào cản như các biện pháp kỹ thuật (TBT), biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SBS), các hàng rào phi thuế, thực phẩm; các biện pháp thương mại...
“Cho dù thuế suất có về 0, nhưng chúng ta không đảm bảo các tiêu chuẩn của nước họ thì cũng không thể xuất khẩu được. Với câu chuyện nông sản, đến TPHCM cũng còn đang rất quyết liệt trong việc chống thực phẩm bẩn, liệu chúng ta có đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào nước người ta?”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đặt dấu hỏi.