Rau đắt ngang thịt, cá
Chị Nguyễn Minh Thu, (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mấy ngày nay, giá các loại rau xanh bỗng dưng được đội giá leo lên 20 -30%. Một số loại rau như rau cải, rau bí, rau lang… đều tăng từ mức 10.000 đồng lên 12.000 đồng – 15.000 đồng/ kg. Các loại rau sống như rau mùi, xà lách… cũng chóng mặt khi ở mức 10.000 đồng lên 15.000 đồng/kg, rau mùi từ 3.000 đồng/mớ lên gần gấp đôi: 5.000 đồng/ mớ
Chị Thu cho hay, bây giờ đi ra chợ, mang 200.000 đồng cũng như bị… móc túi, riêng tiền rau cũng “đi tong” gần 100.000 đồng chỉ mua hai loại rau và một vài lạng rau sống. “Giờ đi ra chợ, tiền rau ngang với tiền mua thịt, cá” – chị Thu than thở. Khảo sát của phóng viên tại một số chợ đầu mối lớn như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Cầu Giấy, chợ Thành Công, giá các loại rau củ, quả đã tăng nhẹ so với tuần trước. Cụ thể, các loại rau vụ đông như cải bắp, su hào giá vẫn ở mức cao: 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá cận kề với mức giá rau xanh thời điểm sau Tết Nguyên đán 2016. Các mặt hàng rau xà lách, rau dền cũng có giá từ 15.000 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân giá rau bỗng dưng tăng đột biến, bà Trần Thị Lan, tiểu thương chuyên bán hàng rau củ, quả ở chợ Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đây là thời điểm kết thúc vụ đông và bắt đầu bước vào vụ Xuân - Hè, do đó, các loại rau vụ Đông bắt đầu vơi dần nên giá cao hơn chính vụ. Đặc biệt, với tâm lý lo sợ về an toàn thực phẩm hiện nay, nên người tiêu dùng chủ yếu tìm mua các loại rau sạch, rau nhập từ Sa Pa, Đà Lạt… nên giá có cao hơn bình thường chút ít vẫn được người tiêu dùng vui lòng trả tiền.
Không chỉ tại các chợ đầu mối, chợ cóc, giá rau có chiều hướng gia tăng, khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá rau xanh cũng được điều chỉnh tăng khoảng 25% so với tuần trước. Cụ thể, tại siêu thị Big C, Coop Mart, giá các loại rau cải, rau mồng tơi, bí xanh, su hào… đã được điều chỉnh quanh mức 25.000 – 30.000 đồng/kg. Bán chạy tại các siêu thị vẫn là những loại rau có thương hiệu rau sạch được nhập từ Sa Pa và Đà Lạt.
Với tâm lý lo sợ hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng vẫn chú trọng tìm đến các cửa hàng rau sạch, thịt sạch. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến cho giá các loại rau xanh và thực phẩm có xu hướng tăng những ngày qua.
Chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn
Theo ban quản lý các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM, lượng hàng thời gian gần đây không biến động quá nhiều. Lượng hàng rau lá, củ quả về chợ đầu mối Thủ Đức trung bình từ 1.400 - 1.600 tấn/đêm.
Trong khoảng một tuần trở lại đây, một số mặt hàng rau có lá tăng giá với mức từ 1.000 - 3.000 đồng/kg nhưng cũng có một số mặt hàng giảm giá với mức từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Sản lượng trái cây về chợ trung bình mỗi ngày hơn 1.400 tấn. “Chỉ có nho và nhãn là tăng giá đáng kể, còn mặt hàng khác biến động theo ngày, không có gì đột biến” - đại diện chợ đầu mối này cho biết.
Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), lượng rau lá, củ quả về chợ trung bình mỗi ngày hơn 500 tấn, giảm nhẹ so với trước. Một số loại rau có mức tăng giá cao nhất khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Trong khi dưa hấu và xoài tăng giá nhẹ, các loại trái cây còn lại biến động không đáng kể.
Nhiều bà nội trợ cho biết thịt heo cũng nhích 2.000 - 3.000 đồng/kg tùy loại, dù sức tiêu thụ có dấu hiệu giảm trước những thông tin thịt heo kém an toàn vì sử dụng thức ăn chăn nuôi có chất cấm.
Một tiểu thương bán thịt heo ở chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp) cho biết giá thịt heo tăng từ đầu nguồn và chỉ tăng những mặt hàng bán chạy như thịt đùi, sườn non, ba rọi, còn các loại khác vẫn ổn định.
Ông Nguyễn Lam Sơn, giám đốc Công ty TNHH rau Thảo Nguyên (Đà Lạt), cho biết rau tại Đà Lạt cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, một số vùng không có nước tưới, nhưng chưa thể có biến động giá tức thời.
Theo ông Sơn, một số loại rau có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là rau có lá, ưa nước như xà lách, bắp cải, cải xanh... nhưng phải tháng rưỡi đến hai tháng nữa giá bán lẻ mới bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định: “Giá rau tại Đà Lạt vẫn khá ổn định do các nhà vườn đều chủ động được nguồn hàng cung ứng ra thị trường. Nếu hạn hán kéo dài thêm, rau có thể sẽ thiếu nhưng không quá nghiêm trọng, vẫn đủ cung ứng và chủ động được nguồn hàng”.