Dân Việt

Cam Cao Phong chờ phân bón Lâm Thao “tiếp sức”

Hạ Nhi 13/04/2016 13:00 GMT+7
Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Công ty Lâm Thao) đã tổ chức buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn đại biểu Công ty TNHH MTV Cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Tại buổi làm việc, Công ty Cam Cao Phong mong muốn được hợp tác với Công ty Lâm Thao trong việc cung ứng phân bón nhiều hơn cho vùng trồng cam nổi tiếng này.

Hợp tác chặt chẽ

Đón tiếp đoàn Công ty TNHH MTV Cam Cao Phong do ông Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc Công ty dẫn đầu, có ông Phạm Quang Tuyến - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Lâm Thao; ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc; ông  Lê Văn Thông - Trưởng phòng Kinh doanh cùng các lãnh đạo Văn phòng Công ty, phòng Kinh doanh Công ty.

imgĐoàn Công ty Cam Cao Phong thăm dây chuyền sản xuất phân bón Lâm Thao. Ảnh:  N.T

Ông Phạm Quang Tuyến đã giới thiệu sơ lược về quá trình xây dựng phát triển, những thành tựu mà Công ty đạt được trong hơn 53 năm qua, giới thiệu những ứng dụng kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản xuất phân bón.

 Với nông dân Hòa Bình, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cam kết sẽ là 1 trong “4 nhà” mang đến cho bà con những sản phẩm tốt nhất, phương thức cung ứng và chuyển giao kỹ thuật phù hợp nhất để bà con nông dân làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đưa nông sản Việt Nam ra thị trường khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Ánh cho biết, hiện nay Công ty Cam Cao Phong có 850ha với cơ chế khoán đã làm cho Cao Phong thay da, đổi thịt bằng chính thu nhập cao của nhiều hộ gia đình. Bên cạnh cây cam chủ lực, công ty không ngừng nâng cao chất lượng các nông sản khác như mía, ngô, bưởi… Nhờ trồng cam đạt năng suất cao, chất lượng tốt nên Công ty TNHH MTV Cao Phong đã được đánh giá là mô hình doanh nghiệp nông nghiệp làm ăn hiệu quả của tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Ánh, để có thương hiệu và thành công này là có sự đóng góp rất lớn của Công ty Lâm Thao. Ông Ánh cho rằng, phân bón Lâm Thao giúp cây cam sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu, tăng năng suất và chất lượng. Ngoài ra nó còn giúp thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí sản xuất, nhất là giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh, góp phần làm ra sản phẩm cam có ưu thế vượt trội trên thị trường: Mẫu mã đẹp, vị ngọt thơm mát, an toàn.

Ông Ánh cũng mong muốn, trong thời gian tới Công ty Lâm Thao tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, công nhân lao động của Công ty TNHH MTV Cao Phong nói riêng và Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình nói chung ngày càng thắm thiết và bền chặt.

Cam Cao Phong phát triển tốt nhờ phân bón Lâm Thao

Cũng như cây bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ, cam đang là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân các xã vùng đồi huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Thực hiện chương trình liên kết “4 nhà”, cả ở Đoan Hùng và ở Cao Phong, thời gian qua, Công ty Lâm Thao đã phối hợp cơ quan khuyến nông, Hội Nông dân và chính quyền địa phương xây dựng các mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao bón cho cây bưởi, cây cam; đồng thời tổ chức tốt hệ thống cung ứng phân bón cho nông dân với những ưu đãi về giá và cơ chế thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất.

Cam không phải là cây trồng mới trên đất đồi Cao Phong mà nó đã có mặt ở đây từ năm 1960 tại Nông trường Cao Phong, diện tích lúc cao nhất lên tới 900ha, nhưng sản lượng chỉ đạt khoảng 3.000 tấn. Đất chưa “yêu” cam, người chưa hiểu cam nên cam chưa thể “rút ruột” vì người. Sau đận thoái trào, khoảng chục năm nay, cây cam, cây quýt Cao Phong được phục hồi và đang “lên ngôi”.

Năm 2010, với diện tích 577ha, sản lượng đạt 9.000 tấn. Năm 2013, diện tích tăng lên 920ha, sản lượng đạt 16.000 tấn. Năm nay, theo thông tin từ Phòng NNPTNT huyện Cao Phong, diện tích trồng cam lên tới 1.200ha, sản lượng ước tính 16.500 tấn. Bà con nông dân Cao Phong cho biết, hiện nay, 1ha cam cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 2/3.

 Anh Nguyễn Văn Hậu, ở xã Thu Phong đang sở hữu đồi cam được cho là đẹp nhất vùng. Ông chủ vườn cam 31 tuổi hồ hởi cho biết: Với diện tích 0,7ha, vụ này, sản lượng cam của gia đình anh đạt khoảng 80 tấn. Giá bán cam lòng vàng tại vườn từ 28.000-30.000 đồng/kg. Năm nay, anh Hậu cầm chắc doanh thu trên 2 tỷ đồng.

 Bên những gốc cam quả trĩu cành, anh Hậu bảo, người trồng cam ở đây đã biết đầu tư cho cây cam thỏa đáng, biết chăm sóc cam đúng kỹ thuật. Cùng với phân chuồng, bà con đã sử dụng các loại phân bón của Công ty Lâm Thao như NPK-S*M1 5.10.3-8, 12.5.10-14; NPK-S 10.5.5-3 để bón cho cam theo từng giai đoạn sinh trưởng phù hợp.

Ông Cù Minh Hà - Giám đốc Công ty CP Phùng Hưng - đại lý phân bón Lâm Thao vùng đường số 6 với sản lượng tiêu thụ hàng năm trên 100.000 tấn, cho biết: “Ở Cao Phong và một số tỉnh, Công ty Lâm Thao phối hợp các tổ chức, đoàn thể ở địa phương đã xây dựng một số mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao cho cây cam rất thành công. Đến giờ, bà con đã khá thành thạo kỹ thuật bón phân khép kín”.

 Diện tích trồng cam, quýt ở thị trấn Cao Phong là 715ha, trong đó khoảng 500ha đang cho thu hoạch. Ở Hòa Bình, cây cam Cao Phong đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo cơ hội thuận lợi để người trồng cam đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Cây cam đã trở thành “cây vàng” của nông dân huyện miền núi Cao Phong.

Với nông dân Hòa Bình, Công ty cam kết sẽ là 1 trong “4 nhà” mang đến cho bà con những sản phẩm tốt nhất, phương thức cung ứng và chuyển giao kỹ thuật phù hợp nhất để bà con làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đưa nông sản Việt Nam ra thị trường khu vực và quốc tế.