Dân Việt

Nhiều ngân hàng “đánh cắp” thông tin của cổ đông

Trần Giang 12/04/2016 17:29 GMT+7
Đến nay, còn nhiều ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2015, mặc dù theo quy định, đến 31.3 hàng năm, các doanh nghiệp đại chúng phải công bố báo cáo tài chính trên website chính thức của mình.

img

Điển hình như SeABank, HDBank, TPBank tuy có công bố nhưng báo cáo chỉ dài đúng 7 trang… Lý do là gì? Đến nay vẫn chưa cổ đông nào nhận được lời giải thích từ ban HĐQT, ban điều hành những ngân hàng này. Hành động này, được giới đầu tư gọi là “biển thủ” báo cáo tài chính, một hành động “đánh cắp” thông tin của cổ đông, nhà đầu tư.

“Biển thủ” báo cáo tài chính

Hôm nay, ngày 12.4, SeABank vừa công bố thông tin về việc chốt danh sách cổ đông để mời họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016.

“Thời điểm chốt danh sách cổ đông là 17h ngày 12.4.2016. Thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung và tài liệu ĐHĐCĐ sẽ được thông báo đến quý cổ đông và đăng lên trang thông tin điện tử của ngân hàng”, SeABank cho biết.

Thực tế, tính đến thời điểm này, SeABank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất hay kiểm toán trên website chính thức của ngân hàng.

Những tưởng SeABank sẽ là một ngân hàng minh bạch vì đã có một cổ đông nước ngoài khá là tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu Châu Âu Société Générale. Hiện Société Générale đang nắm giữ 20% cổ phần của SeABank. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thông tin về lợi nhuận, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này khá hiếm hoi.

Báo cáo tài chính năm 2014 của SeABank cũng khá đặc biệt, chỉ dài đúng 1 trang, với Bảng cân đối kế toán tóm tắt và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tóm tắt.

Một trường hợp khác là HDBank. Ngân hàng này đến nay vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2015. Thông tin về lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng, nợ xấu của ngân hàng này cũng khá hiếm hoi trên thị trường.

Một trường hợp khác là TPBank. Ngân hàng này vừa công bố báo cái tài chính năm 2015 dài 7 trang với Bảng cân đối kế toán tóm tắt và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tóm tắt. Còn báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính thì ngân hàng này cắt đi, không đăng trên website của ngân hàng.

Công bố thông tin kiểu đánh đố như vậy thì cổ đông làm sao biết được những chỉ số tài chính khác. Đối với cổ đông, nhà đầu tư, để đánh giá ngân hàng có thật sự tốt, an toàn hay không thường dựa vào Thuyết minh báo cáo tài chính và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Nói về những trường hợp này, một chuyên gia phân tích báo cáo tài chính cho rằng như thế là vi phạm luật. Theo quy định tại điều 10, Nghị định 105/2013/NĐ-CP (ban hành ngày 16.9.2013) về công ty đại chúng, công ty niêm yết: “Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho có quan có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kế toán năm theo quy định (từ 1.1 – 30- 31.3 năm tài chính tiếp theo).

Chi tiết hơn, theo điều 8, chương II, Thông tư 155/2015-TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 1.1.2016), quy định công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng theo nguyên tắc sau: “Báo cáo tài chính phải bao gồm đầy đủ các báo cáo, phụ lục, thuyết minh theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp”.

Thông tư 155 cũng quy định: Toàn văn báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán phải được công bố đầy đủ, kể cả báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính đó. Trường hợp kiểm toán không chấp nhận toàn phần báo cáo tài chính, công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm, báo cáo kiểm toán kèm theo văn bản giải trình của công ty.

Lo nhất là lãi ảo

Việc bất minh trong công bố thông tin của nhiều ngân hàng đang khiến nhiều cổ đông bức xúc về tính minh bạch thông tin. Điều khiến họ lo ngại nhất, có lẽ là chất lượng tài sản, hoạt động và lợi nhuận của có thật hay do xử lý sổ sách.

Thực tế, đã có ngân hàng, mà cụ thể là Eximbank công bố lợi nhuận, đến khi công bố báo cáo kiểm toán lại bị lỗ liên tiếp 2 năm 2014, 2015.

Nói về tình trạng lãi ảo, TS. Nguyễn Xuân thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, lo ngại về tình trạng nhiều ngân hàng đang phải huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho người gửi tiền, còn lãi cho vay là tiền thật thì mới chỉ ghi nhận dự thu chứ chưa thu được trên thực tế.

"Vừa rồi chúng tôi có một báo cáo nhưng không thể công bố được. Vì nói đến dự thu thì phải điểm tên chỉ mặt các ngân hàng, vấn đề này lại rất nhạy cảm", ông Thành cho biết thêm.

Theo ông Thành, trong khi ngành ngân hàng vẫn chưa giải quyết xong vấn đề nợ xấu thì nay lại thêm vấn đề lãi dự thu. “Các ngân hàng hàng vẫn đang phải "nuôi" nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được "tiền tươi thóc thật". Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân. Thế nên, trong con số thu nhập lãi thuần mà các ngân hàng công bố có một phần "ảo" trong đó”, ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, cần cảnh báo được sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này. Vấn đề này không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu mà tồn tại cả ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên.

“Nếu khoản lãi dự thu này cuối cùng không thu được thì một khoản lợi nhuận cho vay, nhẽ ra thu lãi định kỳ thì phải ghi nhận cuối kỳ rồi nhập vào gốc. Đây là một vấn đề lớn trong tái cấu trúc, ông Thành phân tích.