Dân Việt đăng tải những góp ý rất đáng quan tâm của ông Đỉnh về việc phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững.
Xem xét lại quy hoạch hệ thống canh tác
Vấn đề biến đổi khí hậu đã thực sự tác động đến tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên sinh học và phát triển kinh tế - xã hội chung. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào các dự báo dài hạn đến năm 2030 , đến năm 2050, trong khi sản xuất nông nghiệp và người nông dân rất cần những dự báo và tác động ngắn hạn để ứng phó. Rõ ràng, lĩnh vực khoa học, công nghệ chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu này. Do đó, cần nghiên cứu về biến đổi khí hậu một cách hệ thống hơn và thực tiễn hơn, đặc biệt phải có những dự báo ngắn hạn.
Thiếu nước tưới, nông dân huyện Chư Pưh (Gia Lai) phải nhổ cọc, phá bỏ cây tiêu. Ảnh: Duy Trần
Bên cạnh đó, cần xem xét lại quy hoạch hệ thống canh tác, các kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, cấp nước, hệ thống dân cư hiện nay. Kể cả vấn đề quy hoạch dân cư lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới và vấn đề chuyển dịch lao động dân cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhằm có những định hướng và chính sách phù hợp với các biến động này.
"Chúng ta đã làm gì để giúp người nông dân hiểu biết và chủ động ứng phó để không bị tổn thương trong quá trình hội nhập này, hay cứ để người nông dân tự bơi trong khi chưa biết bơi?”. Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh |
Vấn đề biến đổi khí hậu có liên quan mật thiết đến quá trình sử dụng tài nguyên nước của sông Mekong, trong đó điều tiết của các nước khu vực thượng lưu đều có tác động sâu sắc đến hạ lưu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho đến nay các giải pháp phối hợp liên quốc gia, thậm chí thông tin cũng rất rời rạc.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần kiên trì và kiên quyết thương thảo đấu tranh với các nước dùng chung tài nguyên sông Mekong thông qua nhiều hình thức nhằm đạt được các quy tắc sử dụng nước lưu vực liên quốc gia, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa là cơ sở vững chắc cho việc dự báo và đề xuất các ứng phó và điều chỉnh các quy hoạch cần thiết.
Hành động để giúp nông dân hội nhập
Sản xuất nông nghiệp nước ta luôn dao động theo thị trường. Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, sản xuất nông nghiệp sẽ còn chịu các tác động lớn khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chúng ta đã làm gì để giúp người nông dân hiểu biết và chủ động ứng phó để không bị tổn thương trong quá trình hội nhập này, hay cứ để người nông dân tự bơi trong khi chưa biết bơi?
Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ vấn đề cấp bách là cần phải có các giải pháp giúp cho nông dân hiểu được phải làm gì để chủ động trong quá trình hội nhập. Phân tích những tác động từ bên ngoài, các vấn đề về nội tại cũng như những thuận lợi, khó khăn của nông nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập TPP. Vấn đề này thì các báo cáo đánh giá của các cơ quan, các chuyên gia đã phân tích rõ.
Tôi xin đề xuất các giải pháp chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp là phải đáp ứng 5 chiến lược cơ bản sau:
Một, gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm về chủng loại, quy mô, giá thành, nhất là với lúa gạo, cà phê, tiêu, cao su, thủy sản nước ngọt và một số chủng loại rau màu. Giải pháp là thông qua các chương trình triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bên cạnh các giải pháp nghiên cứu triển khai khuyến nông đang được thực hiện. Cần nghiên cứu thêm việc tăng định mức hỗ trợ, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp một cách phong phú và đa dạng hơn.
Hai, từng bước khắc phục nhược điểm cố hữu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam, đó là sản xuất phân tán, sản phẩm không có xác nhận, quy mô, chất lượng không đồng nhất. Với tình trạng này sẽ khó vượt các rào cản về kỹ thuật thương mại trong xuất khẩu, cũng như phải chịu tác động cạnh tranh của hàng nông sản nhập khẩu.
Một trong những biện pháp quan trọng và cần nhanh chóng triển khai đó là liên kết doanh nghiệp với nông dân trong việc phát triển các vùng chuyên canh có kết hợp với tiêu chuẩn hóa, nhất là theo hướng sản xuất an toàn hoặc theo tiêu chuẩn của các nhà tổng phát hàng. Trong định hướng này, ngoài các chính sách hiện hành đối với nhà sản xuất, đề nghị các ngành nghiên cứu hệ thống chính sách để các doanh nghiệp đầu tư và liên kết tiêu thụ ở các vùng chuyên canh nông nghiệp một cách thực tiễn và hiệu quả nhất.
Ba, xem xét lại các phương thức và quy mô các ngành không có tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập để có những định hướng và chính sách phù hợp hơn. Xin đề xuất một số ví dụ như trong các ngành hàng mà chịu tác động mạnh như chăn nuôi công nghiệp, nên chăng chúng ta xem xét chăn nuôi theo hướng đặc sản, thay vì quy mô lớn như hiện nay và cần có những giải pháp về sản xuất giống, kỹ thuật cũng như tiêu thụ.
Bốn, cần nghiên cứu và đề xuất có chiến lược rõ ràng đối với phân khúc các sản phẩm nông nghiệp. Như nuôi gia cầm thì để xuất khẩu phần ức, còn phần đùi thì tiêu thụ trong nội địa; hoặc có chiến lược phát triển trái cây theo mùa vụ, không trùng với thời điểm mùa vụ rộ của các sản phẩm nhập khẩu; hoặc có chính sách thúc đẩy đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản, lúa gạo chế biến để có nhiều phân khúc thị trường xuất khẩu.
Năm, có giải pháp bền bỉ, nâng cao khả năng của nông dân trong quản lý nông nghiệp quy mô tập trung, kết hợp với hệ thống hỗ trợ nông nghiệp về cơ giới, tư vấn xử lý sau thu hoạch và các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả chuyển dịch lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Chính sách nhiều nhưng nguồn lực có hạn Là một người làm nông nghiệp lâu năm, tôi rất đồng cảm và chia sẻ với những trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội về tình hình nông nghiệp nông thôn. Về những mặt được, những tồn tại chúng ta đã mổ xẻ tại rất nhiều các diễn đàn, đặc biệt, nhân dịp Đại hội Đảng các cấp, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X và có nghị quyết; Chính phủ không cuộc họp nào không bàn và mổ xẻ, chúng ta cũng đã có rất nhiều cố gắng. Vì thế, tôi cũng thấy, rõ ràng chúng ta cần phải quyết liệt hơn để có sự đổi mới một lần nữa trong nông nghiệp và thúc đẩy quá trình phát triển ở nông thôn. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải có một cuộc cải cách đối với nông nghiệp. Đối với cuộc cải cách đó chúng ta phải làm những cái gì. Trước hết phải có những chính sách mới. Phải tổ chức lại sản xuất và phải thực hiện đúng những cam kết của Đảng. Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhưng trong điều kiện nguồn lực của chúng ta có hạn nên thường các chính sách ngắn hạn và giải quyết những vấn đề từng phần. Cũng có nhiều chính sách đã ban hành nhưng không có nguồn lực để thực hiện. Tôi cho rằng, phải tăng đầu tư cho nông nghiệp. Với con số cho 5 năm tới, chúng ta dự kiến đầu tư toàn ngành nông nghiệp thông qua Bộ NNPTNT là 83.000 tỷ đồng, là con số quá ít. Ngọc Lê (ghi) |