Đẩy nhanh thực thi DOC
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Chủ đề của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 (AMM-44) là "Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng toàn cầu".
Các ngoại trưởng tại phiên khai mạc AMM-44. |
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh tầm quan trọng của AMM-44 đối với các Hội nghị Cấp cao ASEAN và Đông Á sẽ diễn ra vào cuối năm nay cũng tại Indonesia; đánh giá cao sự nhất trí và quyết tâm của các nước thành viên hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 - một cộng đồng vì nhân dân và dân chủ, thông qua nỗ lực tích cực thực hiện lộ trình cho Cộng đồng ASEAN, các quy định của Hiến chương ASEAN, củng cố và tăng cường đoàn kết-hợp tác ASEAN, nâng cao khả năng phục hồi và phát triển ASEAN với vai trò chủ đạo trong khu vực.
Về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố của các bên về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) năm 1992, nên cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hướng dẫn thực thi DOC để hai bên bước sang giai đoạn mới, đó là xác định các nội dung cơ bản của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bằng cách đó, ASEAN có thể khẳng định với thế giới rằng tương lai Biển Đông có thể được dự báo trước, có thể được quản lý và giải quyết.
Là nước không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Indonesia được xem là quốc gia tích cực trong việc đưa các bên lại gần nhau để xử lý vấn đề đang gây căng thẳng hiện nay, và có nguy cơ tạo ra xung đột vũ trang ở khu vực. Tổng thống Yudhoyono thúc giục các bên “đi nốt quãng đường cuối cùng còn lại” để ra một thỏa thuận nhằm xây dựng lòng tin với nhau.
Theo dự thảo mới nhất Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN- Trung Quốc, các ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN hy vọng các hướng dẫn thực thi Tuyên bố về DOC sẽ được hoàn tất trong ngày 20.7. Cũng theo dự thảo, các bộ trưởng ASEAN đã "bắt đầu thảo luận nội khối " về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
ASEAN-Trung Quốc họp cấp cao về Biển Đông
Theo kế hoạch, trong hôm nay (20.7), ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp cấp cao về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Trước đó, các quan chức ngoại giao 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đã có cuộc thảo luận không chính thức vào ngày 17.7 tại Bali.
Các bên đã đạt được nhận thức chung rằng các nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo an ninh khu vực. Do vậy, 4 nước đã quyết định nâng các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông từ mức nhóm làm việc lên cấp quan chức cấp cao. Phía Trung Quốc về cơ bản đã đồng ý với kế hoạch này.
Báo Asahi của Nhật Bản nhận định rằng, các động thái tới đây của Trung Quốc sẽ rất đáng chú ý do nước này trước nay vẫn không chấp thuận đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, các nước có tranh chấp với Trung Quốc lại muốn sử dụng cuộc họp sắp tới như một bước đột phá nhằm giải quyết căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, do ASEAN vẫn tồn tại khác biệt trong chính sách với Bắc Kinh nên rất khó đoán kết quả của cuộc họp này.
Quang Minh (tổng hợp)