Vietcombank vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vào ngày 15.4 tới. Một nội dung được quan tâm đó là phương án tăng vốn điều lệ năm 2016 bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Theo Vietcombank, việc tăng vốn là để thực hiện tầm nhìn chiến lược xây dựng Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới.
Liệu cổ đông Nhà nước có gật đầu để thông qua phương án tăng vốn điều lệ lần này của Vietcombank?
Nếu thông qua phương án này, đồng nghĩa với việc tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Vietcombank sẽ giảm từ 77,11% xuống còn 67,11% và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên từ 15% lên 25%.
Theo một chuyên gia tài chính, có lẽ cổ đông Nhà nước sẽ đồng ý, với lý do: Theo cam kết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đến hết năm 2015, lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ mở tới 70% cho nhà đầu tư trong AEC.
“Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%, nếu vượt con số này phải xin phép Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo cam kết về tự do hóa dịch vụ, đến hết năm 2015, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ và nhà đầu tư trong khối có thể tham gia tới mức 70% vốn”, vị này cho biết.
Cuối năm ngoái, Vietcombank cũng đã gửi kiến nghị về việc Chính phủ cần có lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nội từ 30-35%.
“Với nhu cầu tăng vốn trong thời gian tới thì cũng cần xem xét tiếp tục nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần xác định lộ trình giảm tiếp tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhà nước vì hiện nay ngân sách thì không có nếu không giảm tỷ lệ của nhà nước thì rất khó để tăng vốn”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phân trần.
Theo ông Thành, một trong những hạn chế của ngân hàng hiện nay là vốn còn nhỏ bé, mức độ đủ vốn thấp, hệ thống tài chính còn mất cân đối khi phụ thuộc nhiều vào ngân hàng.
“Quy mô vốn còn nhỏ bé, khuôn khổ pháp lý và năng lực quản trị còn cách biệt so với khu vực khi độ mở hệ thống tài chính tăng lên sẽ dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài. Bởi vậy, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ các ngân hàng nâng cao quy mô về vốn”, ông Thành bình luận.
Vietcombank sẽ tăng vốn điều lệ từ 26.650 tỷ đồng lên 35.977 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm 9.327.571.160.000 đồng . Tiếp theo, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ của Vietcombank. Mức vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành riêng lẻ toàn bộ số cổ phiếu là 39.575 tỷ đồng. Tiêu chí nhà đầu tư nước ngoài của Vietcombank phải là các tổ chức nước ngoài có tiềm lực về tài chính vững mạnh, có thể là cổ động hiện hữu của ngân hàng. Dự kiến bán tối đa cho 10 nhà đầu tư. Cùng với kế hoạch tăng vốn, Vietcombank cũng xây dựng một số chỉ tiêu sau khi tăng vốn. Theo đó, tổng tài sản năm 2016 dự kiến tăng trưởng 13,5%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 15%, dư nợ cho vay dự kiến tăng 17%, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng tăng khoảng 10%... |