Dân Việt

Tốn bao nhiêu tiền để làm bánh chưng 2,5 tấn?

Ngọc Phạm 14/04/2016 12:55 GMT+7
Hơn 50 người của Công viên Văn hóa Đầm Sen đã tổ chức gói bánh chưng “khủng” nặng 2,5 tấn, để làm lễ vật dâng cúng các Vua Hùng vào ngày 10.3 âm lịch.

img

Khuôn bánh rộng, nhiều người có thể cùng bước vào để xếp lá.

160 triệu đồng cho chiếc bánh “khủng”

Vừa qua, hơn 50 người của Công viên Văn hóa Đầm Sen (TP.HCM) đã tổ chức gói bánh chưng “khủng” nặng 2,5 tấn, để làm lễ vật dâng cúng các Vua Hùng vào ngày 10.3 âm lịch (16.4 dương lịch). Sau khi gói xong vào chiều 13.4, bánh đã được nấu và dự kiến sẽ nấu trong khoảng 4 ngày đêm.

Thông tin về chiếc bánh chưng “khủng” này đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong đó, nhiều nhà lịch sử học, văn hóa học cho rằng, đó là việc làm gây tốn kém và lãng phí. Ngoài ra, một số ý kiến đánh giá hoạt động này chỉ nhằm mục đích xác lập kỷ lục.

Trao đổi với PV sáng 14.4, ông Nguyễn Hữu Trung - Phó Giám đốc Công viên Văn hóa Đầm Sen cho biết, đơn vị này đã chi khoảng 160 triệu đồng cho toàn bộ quá trình làm bánh. Trong đó, tốn kém nhất là chi phí làm khuôn, lò (100 triệu đồng); riêng chi phí làm bánh là khoảng 60 triệu đồng.

“Vấn đề là chúng tôi muốn tạo nên một sản phẩm trí tuệ, sáng tạo để dâng lên các Vua Hùng. Chúng tôi có thể làm nhiều chiếc bánh nhỏ rồi ghép lại; nhưng việc nấu một chiếc bánh lớn là khó khăn hơn rất nhiều, từ đó sẽ tạo được một điểm nhấn để giới trẻ nhớ tới ngày lễ truyền thống của dân tộc. Cách làm này cũng thắng lợi ở chỗ giúp anh em đồng lòng, đoàn kết với nhau hơn”, ông Trung nói.

img

Nhân viên của Công viên Văn hóa Đầm Sen đang làm bánh vào chiều 13.4.

Trước đó, đánh giá về bánh chưng “khủng” cũng như các hoạt động của Lễ hội Đền Hùng trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ từng khẳng định: “Lễ Giỗ tổ Hùng Vương thuộc hoạt động văn hóa dân gian, gắn liền với việc gìn giữ thuần phong mỹ tục của người Việt. Cho nên, chúng tôi kiên quyết không nhận những vật phẩm trái với thực tế đời sống ngày xưa, không có chuyện bánh chưng, bánh dày “khủng” tồn tại trong Lễ hội Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương”.

Không đăng ký xác lập kỷ lục

Cũng trong sáng 14.4, bà Đặng Thị Thu Thảo, đại diện Ban truyền thông - Công viên Văn hóa Đầm Sen cho biết, đơn vị này không đăng ký xác lập kỷ lục cho chiếc bánh chưng “khủng” đang nấu.

img

Bánh được đưa vào lò nấu trong khoảng 4 ngày.

Ngoài ra, Công viên Văn hóa Đầm Sen sẽ làm lễ dâng bánh lên các Vua Hùng ngay trong khuôn viên của Đầm Sen. Sau đó, bánh được chia nhỏ cho 1.000 khách tham quan cùng thưởng thức.

Ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác nhận, Công viên Văn hóa Đầm Sen không đăng ký kỷ lục nào cho chiếc bánh chưng này ở VietKings, và VietKings hiện cũng đang rất hạn chế xác lập các kỷ lục bánh “khủng”, lễ vật “khủng”.

Mặc dù vậy, ông An cho rằng, mỗi người có một quan điểm khác nhau về câu chuyện này. Có thể những người tâm linh cho rằng họ phải làm một điều gì to lớn để tạo công đức với tổ tiên.

“Theo tôi, họ làm vậy là mong muốn tạo ra một lễ vật mang hương vị của nguời phương Nam để dâng cúng tổ tiên. Mình nên tôn trọng những người bỏ công, bỏ sức, bỏ tiền ra làm việc đó”, ông An đánh giá.

Để làm được chiếc bánh đặc biệt này, Công viên Văn hóa Đầm Sen đã huy động hàng chục người làm việc trong nhiều ngày, từ khâu vo gạo nếp, rửa lá chuối, lá dong, thái thịt, đãi đậu xanh,… đến khâu làm khung bánh, lò nấu bánh.

Cụ thể, chiếc bánh chưng “khủng” được làm từ 1,2 tấn nếp, 300kg đậu xanh, 200kg thịt heo, 300kg lá chuối và 50kg lá dong. Bánh thành phẩm có diện tích 2,6 mét vuông, cao 0,6m.