Uy tín của Tổng thống Nga Putin trong lòng người dân Nga không hề bị ảnh hưởng bởi Vụ bê bối mang tên Hồ sơ Panama như sự mong đợi của Mỹ và phương Tây.
Bất chấp các cáo buộc xuất hiện tràn lan trên truyền thông phương Tây, người dân Nga vẫn tin tưởng hoàn toàn vào nhà lãnh đạo đất nước mình, đánh dấu chiến thắng mới của ông Putin sau sự thành công vang dội của chiến dịch Syria.
Ngay sau khi vụ bê bối tai tiếng mang tên Hồ sơ Panama nổ ra, làm chính trường quốc tế chao đảo, dễ dàng nhận thấy Tổng thống Nga Putin đã bị đẩy vào giữa “tâm bão”. Truyền thông phương Tây đồng loạt đăng ảnh nhà lãnh đạo Nga trên trang nhất, với các cáo buộc liên quan đến vụ bê bối.
Hồ sơ Panama bao gồm 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama, trong đó, tiết lộ nhiều nhân vật quyền lực và nổi tiếng có liên quan đến các hoạt động rửa tiền và trốn thuế. Trong số này có khoảng 140 chính khách, trong đó có 12 nguyên thủ và cựu nguyên thủ từ nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Tên của Tổng thống Putin không xuất hiện trong các tài liệu của Hồ sơ Panama. Tuy nhiên, ông Sergei Roldugin, một nghệ sĩ cello, người bạn thân thiết và lâu năm của nhà lãnh đạo Nga thì bị nêu đích danh.
Truyền thông phương Tây đẩy Tổng thống Putin vào "tâm bão" vụ Hồ sơ Panama.
Theo Hồ sơ Panama, ông Roldugin bị cáo buộc là chủ sở hữu hai công ty hải ngoại, International Media Overseas và Sonnette Overseas. Hai công ty này bị cáo buộc tham gia vào một số giao dịch đáng ngờ, trong đó có một giao dịch giúp International Media Overseas nhận được khoản vay trị giá 6 triệu USD hồi năm 2007 và sau đó ba tháng đã được xóa nợ với chỉ 1 USD.
Nhà lãnh đạo Nga sau đó đã lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến Hồ sơ Panama đồng thời kiên quyết bảo vệ người bạn thân của mình. Ông chỉ đích danh các quan chức và chính phủ Mỹ đứng sau mọi việc đồng thời nhấn mạnh, các đối thủ của Nga đang "lo lắng trước sự thống nhất của dân tộc Nga”. Và “đó là lý do tại sao họ đang cố gắng chống phá chúng ta từ bên trong nhằm khiến chúng ta phải phục tùng".
Theo Putin, do các đối thủ ở phương Tây không thể tìm thấy tên ông trong Hồ sơ Panama, nên "họ đã tạo ra một sản phẩm thông tin" bằng cách “tìm một vài người quen, một vài bạn bè của tôi... và dựng chuyện từ những thông tin đó”.
Chân dung ông Sergei Roldugin, một nghệ sĩ cello (trái), bạn thân của Tổng thống Putin (phải).
Trong bài phân tích đăng tải trên tờ The Straits Times, nhà phân tích Jonathan Eyal bình luận, cho đến nay, tất cả các bằng chứng cũng như dấu hiệu đều cho thấy, người dân Nga vẫn hoàn toàn tin tưởng vào chính phủ của Tổng thống Putin. Theo đó, bất chấp các cáo buộc xuất hiện tràn lan trên truyền thông phương Tây, danh tiếng của nhà lãnh đạo Nga đối với người dân trong nước vẫn không hề sứt mẻ.
Ngoài ra theo ông Jonathan Eyal, chiến dịch lợi dụng Hồ sơ Panama để hạ bệ ông Putin của phương Tây thất bại còn vì người dân Nga vốn đã quá quen với các cáo buộc thù địch nhằm chống lại nhà lãnh đạo của họ.
Tháng 2 năm nay, các quan chức cấp cao của Bộ Tài Chính Mỹ đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu của Đài BBC (vốn hoạt động nhờ tiền tài trợ của chính phủ Anh) tiết lộ về các bất động sản ở nước ngoài được cho là của ông Putin. Sau đó, truyền thông phương Tây ồ ạt công bố các tài liệu, trong đó có những thông tin chỉ có thể do một cơ quan tình báo nào đó cung cấp, “mổ xẻ” về tình trạng tham nhũng ở Nga.
Về phía các chính phủ phương Tây, những tài liệu rò rỉ như vậy được xem là “vũ khí” giúp họ hạ bệ uy tín của lãnh đạo Nga.
Tuy nhiên, ông Jonathan Eyal nhấn mạnh, những chiến dịch tấn công Putin do phương Tây tài trợ trước đó, không chỉ không phát huy tác dụng như mong muốn, mà thậm chí còn trở thành “tấm khiên bảo vệ hữu hiệu” nhà lãnh đạo Nga khỏi những bê bối tương tự như Hồ sơ Panama.
Và điều này đã được chứng minh. Giữa lúc bê bối Hồ sơ Panama đang nổi lên mạnh mẽ, nhà báo Steve Rosenberg của Đài BBC đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ bằng cách trực tiếp phỏng vấn nhiều người dân ở thành phố Elektrostal, cách thủ đô Moscow 50km về phía đông để đo phản ứng của họ đối với các cáo buộc liên quan đến ông Putin.
Theo đó, khi phỏng vấn một chủ quầy bán báo tên là Nadezhda, nhà báo Steve Rosenberg nhận được câu trả lời thẳng thừng rằng, bà không thích nước Mỹ và vụ hồ sơ Panama chỉ là trò điều tra phí tiền và thời gian. Bà Nadezhda thậm chí còn tuyên bố không có thiện cảm với nhà báo BBC.
Bà chủ quầy bán báo sau đó gọi bạn của mình, một phụ nữ bán kem và nói “Marina đến đây, họ đang cố nói xấu Putin này”.
“Chúng tôi ủng hộ Putin, chúng tôi ủng hộ nước Nga. Người phương Tây chỉ muốn lật đổ ông Putin và đưa người khác vào thay thế, như Tổng thống Poroshenko của Ukraine chẳng hạn", người phụ nữ bán kem tuyên bố.
Một chủ tiệm làm tóc tên là Galina thì cáo buộc: "Nước Mỹ lúc nào cũng chỉ trích Nga. Người Mỹ lúc nào cũng chỉ muốn thống trị thế giới". Galina đồng thời tuyên bố, cô tin chắc Putin không liên quan gì đến vụ Hồ sơ Panama.
Nhà báo Steve Rosenberg còn trò chuyện với một nhà toán học tên Boris ở công viên về vụ bê bối mang tên Hồ sơ Panama và nhận được câu trả lời rằng: “Chuyện này chẳng liên quan gì đến cuộc sống của tôi. Nhưng dù sao thì, Putin vẫn là nhà lãnh đạo vĩ đại nhất lúc này".
Trong khi đó, Zhanna, một giáo viên trường ngoại ngữ Elektrostal nhấn mạnh: "Tôi nghĩ ông ấy không đáng bị chỉ trích. Ông là một tổng thống tốt và cư xử đúng mực. Những cáo buộc này là không đúng sự thật".
Theo BBC, hầu hết người Nga tại thành phố Elektrostal được phỏng vấn đều tỏ thái độ chỉ trích các chính phủ và giới lãnh đạo phương Tây, trong khi khẳng định sự yêu mến và niềm tin dành cho ông Putin.
Theo đó, nhà phân tích Jonathan Eyal bình luận, Tổng thống Putin hoàn toàn có quyền mỉm cười và tuyên bố rộng rãi với dư luận trong nước rằng: “Người tôi tớ trung thành của các bạn không có tên trong đó (Hồ sơ Panama). Chẳng có gì để bàn luận cả”.