Dân Việt

Gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị loại?

20/07/2011 09:27 GMT+7
(Dân Việt) - Thời gian Nghị định 109/2010 của Chính phủ có hiệu lực đã cận kề. Theo nghị định này, để được tiếp tục tham gia xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp sẽ có nhiều việc phải làm.

Nhiều doanh nghiệp lo

Nghị định 109/2010 nêu rõ, từ 1.10 năm nay, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện về thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sở hữu ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, trong khoảng 280 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo trong thời gian qua, chỉ có khoảng 80 doanh nghiệp khả năng đáp ứng yêu cầu vào ngày 1.10.

img
Chuẩn hóa kho chứa và đầu tư hệ thống xay xát lúa gạo là 2 trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Theo ông Phan Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu, đối với những doanh nghiệp vốn có tiềm lực mọi mặt, đáp ứng yêu cầu chung về xuất khẩu, thì nghị định trên làm họ “sung sướng”. Bởi nhiều khả năng họ đẩy mạnh xuất khẩu, khi nhiều đối thủ cạnh tranh nghiễm nhiên bị loại. Và ngược lại, không ít doanh nghiệp chạy lo sốt vó để được tham gia xuất khẩu hoặc chấp nhận bỏ cuộc. Lý thuyết là vậy. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, tất cả doanh nghiệp đủ hay không đủ điều kiện đều lo lắng.

Tại Bạc Liêu, Công ty Lương thực Bạc Liêu là đơn vị duy nhất có đủ điều kiện tham gia xuất khẩu. Nhưng giờ đây công ty này cũng phải chạy quyết liệt để xúc tiến các hợp đồng với nhiều nhà máy lớn trong tỉnh, nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu. “Ngoài công việc xây dựng thêm kho chứa đạt chuẩn, công ty còn tăng cường nhân lực, đẩy mạnh hợp đồng thu mua, xay xát tại chỗ đảm bảo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, thực thi tốt nhất Nghị định 109” - ông Nguyễn Thanh Ngọc - Giám đốc Công ty cho biết.

Thực thi quá gấp?

Nghị định 109 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xây dựng kho chứa lúa gạo. Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mở ra cơ hội hiện đại hóa ngành lương thực kết hợp cấu trúc và lập lại trật tự trong xuất khẩu, kinh doanh lúa gạo.

Ông Lâm Định Quốc - Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, nhận định: Siết chặt các quy định nhằm làm các doanh nghiệp năng động, đổi mới và nâng cao vai trò trách nhiệm hơn. Đối với các doanh nghiệp lọt vào nhóm “thiếu chuẩn”, họ thấy được công việc kinh doanh ngày càng khắt khe, từ đó buộc phải nhìn lại mình, tăng đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại…

DNTN Kinh doanh Lương thực Tài (Bạc Liêu), bộc bạch rằng: Biết là vậy! Nhưng chúng tôi cần thêm thời gian để hoàn thiện kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến để có thể tham gia xuất khẩu vào những kỳ sau. Bởi căn cứ theo Nghị định 109, thời gian thực thi chỉ chưa đầy 1 năm.

Nhiều doanh nghiệp tại Cà Mau, Bạc Liêu, than rằng: Diện tích xây dựng kho bãi đảm bảo thuận lợi giao thông nằm ngay vùng trọng điểm lương thực có diện tích trên 5.000m2 là rất khó tìm. Lại phải cần đến cả chục tỷ đồng xây kho, cùng với các điều kiện khác nên xem ra khó thực thi trong thời gian ngắn.

Vì lẽ đó, ông Phan Văn Sáu, nhận định: Có thể nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu sẽ tự bỏ cuộc. Tuy nhiên nếu có chính sách đầu tư vốn cho các doanh nghiệp “thiếu chuẩn” trên, thì khi họ hoàn thiện, chắc rằng năng lực làm xuất khẩu sẽ gia tăng đáng kể, phủ khắp các tuyến đồng bằng, vùng trọng điểm lúa của khu vực và cả nước...