Sáng nay, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016. Nội dung tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu riêng lẻ 10% cho nhà đầu tư nước ngoài đã được thảo luận khá sôi nổi. Rất nhiều cổ đông tổ chức là quỹ đầu tư, công ty chứng khoán đã chất vấn HĐQT Vietcombank về khả năng thành công của phương án này.
Cổ đông “truy vấn”
Một cổ đông đến từ một quỹ đầu tư nước ngoài đã chất vấn về khả năng tham gia cổ đông hiện hữu, mà cụ thể là cổ đông nước ngoài Mizuho Corporate Bank (Nhật Bản), có tham gia không?
Về câu hỏi này, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết hiện chưa có văn bản chính thức của Mizuho. Tuy nhiên, trong lần làm việc gần đây với Mizuho tại Việt Nam, tổ chức này cho biết đang trình với Tập đoàn Mizuho ở Nhật Bản và khả năng cổ đông này sẽ giữ tỷ lệ tối thiếu là 15% như hiện tại.
Một cổ đông khác băn khoăn về chất lượng của cổ đông nước ngoài đến từ kế hoạch phát hành cổ phiếu nhỏ lẻ 10% và khả năng hỗ trợ của họ đối với Vietcombank.
Về lo lắng này, ông Thành khẳng địnhquan điểm của HĐQT Vietcombank là lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phải có tiềm lực tài chính mạnh, có uy tín.
“Quan trọng là nhà đầu tư nước ngoài phải có sự hỗ trợ trở lại Vietcombank trong việc hoạt động điều hành, quản trị chứ không chỉ có tiền. HĐQT sẽ ưu tiên nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức tài chính, ngân hàng có tiềm lực, uy tín trên thị trường quốc tế để hỗ trợ cho hoạt động của Vietcombank”, ông Thành nhấn mạnh.
Lo ngại về khả năng thành công, một cổ đông đến từ quỹ đầu tư phân tích trong nhiều năm qua, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng lớn thường bị chậm, hoãn sang năm sau. “Độ chắc chắn của Vietcombank trong việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược như thế nào? Đã có cổ đông nào chưa và quá trình tìm hiểu nhau đến mức nào rồi?”
Về vấn đề này, ông Thành thừa nhận có khó khăn khi ngân hàng phát hành cổ phiếu cho cổ đông riêng lẻ, nhất là với khối lượng rất lớn. “Với tỷ lệ phát hành cổ phiếu riêng lẻ 10% vốn điều lệ, Vietcombank dự kiến giá trị xấp xỉ 500 triệu USD, nên chắc chắn là khó khăn”, ông Thành thừa nhận.
Nhưng ban lãnh đạo của Vietcombank sau khi xin ý kiến NHNN, Bộ Tài chính đã được sự chấp thuận về mặt chủ trương để trình ĐHĐCĐ đã có xúc tiến thuê một công ty tư vấn uy tín trên thị trường quốc tế. Qua mấy tháng xúc tiến, Vietcombank đã có ban xúc tiến roadshow về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
“Trước mắt chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của một số cổ đông, trong đó có những cổ đông đạt tiêu chí của ngân hàng đặt ra. Chúng tôi kỳ vọng nếu được ĐHĐCĐ thông qua thì việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016 có tỷ lệ thành công khá cao”, ông Thành tin tưởng.
Không tăng được vốn, hệ số CAR xuống dưới mức báo động
Vẫn còn lo ngại về khả năng thành công của phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ 10%, một cổ đông đến tư quỹ đầu tư SSI băn khoăn: “Với áp lực của Basel II, nhiều ngân hàng đã chọn giải pháp tăng vốn bằng việc tăng vốn cấp 2. Tại sao Vietcombank không chọn cách tăng vốn cấp 2 như ngân hàng khác. Trong trường hợp nếu không tìm được cổ đông chiến lược thì có làm cách này hay không?”
Về vấn đề này, ông Thành thừa nhận với quy định hiện tại, hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) của Vietcombank đang ở 9%.
“Cuối năm ngoái thì khoảng hơn 10%, nhưng do chúng ta tăng tài sản có rất nhanh cho nên hệ số CAR đối vốn không tăng, nên tỷ lệ này giảm rất nhanh”, ông Thành giải thích.
Theo ông Thành, nếu đến cuối năm nay không tăng được vốn, theo tiêu chuẩn Việt Nam, đặc biệt là việc áp dụng Basel II của Ngân hàng Nhà nước với 10 ngân hàng, thì hệ số CAR giảm nhanh chóng. “Hệ số CAR của Vietcombank sẽgiảm khoảng 2%, về mức gần 7%, tức là vốn tự có/tài sản tự có chỉ đạt mức đó và không đạt được định mức tối thiếu. Do vậy HĐQT mới trình ra cổ đông kế hoạch tăng vốn trong năm nay”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, việc tăng vốn điều lệ là một may mắn của Vietcombank do thặng dư giữ lại còn trên 9.000 tỷ đồng. Cái này thì ngân hàng khác còn lại rất ít.
“Thứ 2, sở hữu Nhà nước tại Vietcombank là 77,14% và có thể giảm xuống. Chính phủ cũng đã có quy định 4 tổ chức tín dụng nhà nước (trừ Agribank là chưa cổ phần) thì 3 tổ chức còn lại có tỷ lệ sở hữu là 65%. Vậy nên chúng ta mới giảm được tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống khoảng 70% bằng cách phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Thành cho biết.
Nhưng với việc tăng tài sản có như trong thời gian vừa rồi và thời gian tới, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay (nếu có cơ hội còn tăng cao hơn), do đó hệ số CAR sẽ giảm rất nhanh.
“Do vậy, kể cả phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ 10% cho nhà đầu tư nước ngoài thì Vietcombank vẫn phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.Bước đi này Vietcombank tiến hành đồng thời”, ông Thành khẳng định.
Theo báo cáo của ban kiểm soát, Vietcombank hiện đang nắm giữ cổ phần của 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Cụ thể, Vietcombank sở hữu 7,16% tại MB, giá trị là 1.242 tỷ đồng; sở hữu tại Eximbank là 8,19%, giá trị 582 tỷ đồng; sở hữu tại Ngân hàng Phương Đông là 5,07% với giá trị là 144 tỷ đồng; sở hữu tại Saigonbank là 4,3%, tương ứng số tiền 123 tỷ đồng. Một công tỷ tài chính là Công ty tài chính Xi măng, mặc dù tỷ lệ sở hữ là 10,91% nhưng số tiền chỉ là 70,4 tỷ đồng. “Trước mắt, NHNN đã đồng ý cho Vietcombank duy trì tỷ lệ sở hữu tại MB. Đây là ngân hàng hoạt động trong những năm vừa qua khá hiệu quả. Quan điểm của ban lãnh đạo sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tín dụng, dự kiến chỉ nắm cổ phần của 2 tổ chức tín dụng. Nhưng giảm ngân hàng nào thì chúng tôi sẽ nghiên cứu tín hiệu thị trường và mức tín nhiệm của chính các tổ chức tín dụng đó thì sẽ có định hướng báo cáo cụ thể với cổ đông”, ông Thành cho biết. |