Vụ việc mới nhất vừa xảy ra tại Q.7, TP.HCM là cơm bị chuyển màu hồng nhạt. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Sau hàng loạt vụ việc cơm chuyển màu được người dân phát hiện và thông báo tới cơ quan chức năng, mới đây, thêm một người dân ở Q.7, TP.HCM lại tiếp tục thông báo hiện tượng này.
Theo đó, chị H., một cư dân ở lô A2, Chung cư Era Town (đường Phạm Hữu Lầu, P.Phú Mỹ, Q.7) cho biết, chiều tối ngày 13.4, chị nấu cơm như mọi ngày. Chỉ sau 1 giờ đồng hồ, khi lấy cơm ra ăn thì gia đình chị phát hiện một phần cơm có màu hồng nhạt. Chị H. khẳng định, lúc đó cơm vẫn còn nóng và kết quả cũng tương tự khi nấu phần cơm khác vào sáng hôm sau (14.4).
Trao đổi với PV sáng 16.4, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, bà chưa nhận được thông tin về vụ việc này.
Tuy nhiên, bà Cúc nhấn mạnh: “Vấn đề an toàn thực phẩm trong thời gian gần đây đang “nóng” lên, tôi cũng rất lo ngại trước các thông tin gạo đổi màu liên tục xuất hiện. Nhưng phải khẳng định lại là chỉ có “cơm lạ” chứ không phải “gạo lạ”, bởi chúng tôi đã phân tích nhiều mẫu gạo mà không phát hiện điều gì lạ”.
Mẫu cơm bị chuyển màu hồng đậm gây lo lắng cho người dân ở huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bà Cúc cho biết thêm, trong mỗi lần quét mẫu gạo, thiết bị sẽ kiểm tra hơn 100 chỉ tiêu khác nhau. Với mẫu cơm, để kiểm tra thì cơ quan chức năng phải xác định trước phải kiểm tra chất gì. Riêng hơn 100 chỉ tiêu về các chất cấm trong an toàn thực phẩm với gạo, việc kiểm định không phát hiện điều gì bất thường, có thể tồn tại chất bảo quản nhưng trong giới hạn cho phép.
“Ngay sau vụ việc ở huyện Bình Chánh, Chi cục Bảo vệ Thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đã chủ động đi lấy mẫu gạo tại nhiều đại lý lớn về kiểm tra. Kết quả, chưa phát hiện mẫu gạo nào vượt các chỉ tiêu cho phép. Hiện, công tác này vẫn đang tiếp tục chứ chưa dừng lại”, bà Cúc nói.
Theo bà Cúc, thông tin về gạo đổi màu lan truyền nhanh chóng trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của người bán gạo mà còn có thể gây ảnh hưởng tới người nông dân trồng lúa và hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
“Loại gạo trong vụ việc ở huyện Bình Chánh mặc dù được đặt tên là “gạo Đài Loan” nhưng thực chất được sản xuất ở Việt Nam bằng lúa trồng tại Việt Nam”, bà Cúc thông tin thêm.
Kết quả nấu thực nghiệm và bảo quản cơm trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau sau nhiều ngày đêm, do cơ quan chức năng thực hiện.
Trước đó, ông N.V.T (54 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) mua 5kg gạo về nấu cơm ăn. Sau khi để qua đêm, ông T. phát hiện cơm có màu đỏ như nhuộm thuốc.
Sau đó, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra hai vụ cơm chuyển màu hồng sau khi để qua đêm. Đây đều là những trường hợp do người dân phát hiện và mang gạo tới cơ quan chức năng nhờ kiểm tra. Một vụ việc xảy ra ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức vào ngày 8.4 do ông D. phát hiện, và một vụ việc xảy ra ở TP.Vũng Tàu vào ngày 12.4 do bà T.T.H phát hiện.
Với cả 3 vụ việc trên, cơ quan chức năng bao gồm cả cơ quan công an và Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn địa phương đều đã nấu thử, để qua nhiều đêm nhưng không phát hiện hiện tượng đổi màu. Riêng vụ việc của ông N.V.T, phóng viên đã trực tiếp nấu thử, để qua 3 đêm, chỉ ghi nhận cơm khô hơn và màu trắng của cơm có phần đục hơn.