Dân Việt

Lại lỗ do cơ chế, không phải do điều hành

Nguyệt Hà 16/04/2016 22:14 GMT+7
"Lỗ không phải do điều hành, lỗ là do cơ chế". Lợi nhuận PV GAS trong quý I dự kiến khoảng 1.800 - 1.900 tỷ đồng, nếu tính giá khí đã được điều chỉnh.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2016 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), ông Dương

img

Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc cho biết GAS được xem là đại diện cho ngành công nghiệp khí tại Việt Nam. Một ngành công nghiệp khí hoạt động, đối với một quốc gia, phụ thuộc vào độ mở của nền kinh tế, đặc điểm tài nguyên, sở hữu của nhà nước đối với ngành này. Điều đó thể hiện rằng không một quốc gia nào trên thế giới có mô hình kinh doanh khí và cơ chế giống nhau.

Ông Sơn cũng tiết lộ, Ngân hàng Thế Giới (WB) và nhiều tổ chức tài chính quốc tế có ý kiến khác nhau về mô hình ngành công nghiệp khí của Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ, thông qua Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PV GAS đã có chuẩn bị để thông tin tới các tổ chức quốc tế khác để họ thấy, hiện nay, với tình hình chính trị và kinh tế của Việt Nam, mô hình ngành công nghiệp khí, hay mô hình kinh doanh của PV GAS với việc điều tiết cơ chế mua bán giá khí đầu vào, đầu ra do Chính phủ quyết định.

Theo Tổng Giám đốc PV GAS, trước đây, Chính phủ ra quy chế giá khí thị trường bằng 46% giá dầu. Nhưng khi giá dầu xuống ngưỡng 30 - 40 USD/thùng thì cơ chế đó lại không phù hợp nữa, PV GAS lại phải mua thêm một số mỏ. Giá khí đầu vào cao nhưng bán ra theo giá thị trường lại thấp. Điều này hoàn toàn không phải lỗi do ban điều hành, lỗi là do cơ chế khi xây dựng nguyên tắc giá khí và giá thị trường.

Sau đó PV GAS phải mất 6 tháng để giải thích, vận động, báo cáo Chính phủ để trình bày các tác động của cơ chế này đối với doanh nghiệp, sau đó Chính phủ có ủng hộ ngành dầu khí bằng việc cho ra đời văn bản 256. Văn bản này nêu rõ nếu giá khí bán thấp hơn giá khí mua thì giá khí mua chính là giá bán cho PV GAS. Quyết định này tác động khá tích cực đến PV GAS, giúp doanh nghiệp không bị lỗ do cơ chế giá.

Nếu được áp dụng từ ngày 9/1/2016, PV GAS sẽ ghi nhận lãi 1.200 tỷ đồng trong tổng lợi nhuận quý I. Tuy nhiên, PV GAS cũng đang cố gắng làm việc với các bộ, ngành liên quan để được áp dụng ngay từ ngày 9/1/2016, Nếu áp dụng cơ chế này trong năm 2015 thì PV GAS sẽ tránh được các khoản lỗ do cơ chế giá khí. Do đó, ông Sơn kết luận: "Lỗ không phải do điều hành, lỗ là do cơ chế". Ông Sơn cũng nói thêm, lợi nhuận PV GAS trong quý I dự kiến khoảng 1.800 - 1.900 tỷ đồng, nếu tính giá khí đã được điều chỉnh.

Năm 2016, với kịch bản giá dầu 60 USD/thùng, PV GAS đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 54.751 tỷ đồng, LNST 7.085 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 20% so với kết quả thực hiện năm trước. Giá dầu 60 USD/thùng là giá dầu do Quốc hội quy định để các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch.

Đối với tình hình hiện nay, khi giá dầu chỉ dao động từ 30 USD/thùng, PV GAS đang lên các phương án dự phòng để xây dựng kế hoạch kinh doanh để có phương án đối phó về đầu vào, chi phí đầu tư, tỷ suất lợi nhuận.

Cụ thể, theo ông Sơn, giả sử giá dầu xuống 40 USD/thùng, sản lượng không đổi, cơ chế không đổi thì dự kiến PV GAS đạt doanh thu hơn 47.000 tỷ đồng, LN hơn 6.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu 30 USD/thùng, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm, còn khoảng 44.000 tỷ đồng, LN hơn 4.700 tỷ đồng. Ngay cả với trường hợp giá dầu còn 20 USD/thùng, PV GAS cũng có phương án xử lý, ông Sơn nhấn mạnh.

PV GAS đang triển khai gồm 2 dự án lớn là đầu tư thượng nguồn thăm dò và đường ống dẫn khí vào bờ. PV GAS sẽ đưa đường ống này vào khai thác, dự kiến trong năm 2020. Tiến độ tuyến ống có thể cùng tiến độ khai thác mỏ. Đối với dự án Nam Côn Sơn 2, giai đoạn 2, hiện tại PV GAS đã hoàn thiện nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và PVN, dự kiến sẽ dẫn khí đưa vào bờ vào khoảng năm 2019. Đối với việc đầu tư về thượng nguồn, PV GAS đang tích cực làm việc với Tập đoàn để đầu tư thêm vào các mỏ trong nước.