Dân Việt

Câu chuyện khởi nghiệp của cựu SV Ngoại thương gây "bão"

Hạ Nhiên 17/04/2016 10:25 GMT+7
Khi tôi làm chủ, tôi thấy mình sống từng ngày thật ý nghĩa, thật mặn, thật chất...

Chia sẻ của một cựu sinh viên Ngoại thương về hành trình bỏ việc, tự đi làm thuê cho chính mình được đăng tải gần đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng, đặc biệt là những người trẻ đang ở độ tuổi khởi nghiệp. 

img

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của sinh viên ngoại thương

Dòng chia sẻ này được đăng tải trên trang confession của trường Đại học Ngoại thương - và chủ nhân của nó là một cựu nữ sinh khóa 2. Với giọng văn hài hước, "tưng tửng", cô gái kể về hành trình khởi nghiệp đầy những trải nghiệm thú vị của mình. 

Tốt nghiệp một trong những trường top đầu cả nước, cựu nữ sinh Ngoại thương không khó để có được một công việc mơ ước: sáng son phấn, váy vóc đi làm, trưa ngồi điều hòa máy lạnh tám chuyện, cuối tháng nhận lương cao...

Thế nhưng, sau một thời gian dài "lầm lũi cống hiến", cô gái bắt đầu chán ngấy cuộc sống của một nhân viên văn phòng lúc nào cũng chỉ chăm chăm cắm mặt vào màn hình máy tính, hết giờ thì tụ tập ăn chơi rồi cuối tháng đợi lương dài cổ... Cuối cùng, cô đã quyết định bỏ việc, tự kinh doanh, nuôi giấc mơ trở thành bà chủ.

Đời không như là mơ, hành trình khởi nghiệp kinh doanh của cô gái 21 tuổi đã vấp phải không ít gian nan. Không còn những tháng ngày váy ngắn, giày cao, ngồi điều hòa máy lạnh nữa, để có được những đơn hàng, cô phải chân thấp, chân cao lao ra đường bấp chấp trưa nắng chang chang hay nửa đêm gà gáy. Thậm chí, có những lúc công việc bế tắc, cảm xúc dâng trào, cô gái trẻ còn nửa muốn khóc nửa muốn cười sằng sặc vì không biết làm cách nào để tháo gỡ khó khăn.

img

Từ một nhân viên văn phòng cô gái đã trở thành người kinh doanh tự do (ảnh minh họa)

Thế nhưng, dù là vậy, cô gái vẫn khẳng định: "Có chọn lại cũng không đi làm thuê". Khó khăn chồng chất, cái tôi tan nát, lo lắng, sợ hãi đủ cả nhưng với cô gái trẻ, cuộc sống của một người làm chủ thật ý nghĩa, thật mặn và thật chất. 

"Không còn những ngày chỉ trông đồng hồ đến 6h tối để bay ra khỏi công ty, không còn những ngày sáng thức dậy thấy đồng hồ chỉ 8h là chán, không muốn thay đồ đi làm. Mỗi sáng lại 1 câu hỏi: Hôm nay làm gì để tăng sale đây?", cựu nữ sinh ngoại thương viết.

Chia sẻ của cựu sinh viên ngoại thương về hành trình từ một nhân viên văn phòng trở thành một người kinh doanh tự do đã cho mọi người một cái nhìn mới về chuyện lựa chọn công việc làm thuê hay tự mình khởi nghiệp. Bất cứ sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó, tuy nhiên, tuy vào tính cách và ước mơ mà mỗi người sẽ có quyết định cho riêng mình bất chấp rủi ro sẽ có. 

Trích nguyên văn chia sẻ của cựu sinh viên Ngoại thương:

"Tôi học FTU2. Giờ tôi tự làm cho chính mình (self-employed). Tôi không startup, startup lớn lao quá, tôi chưa có cái tầm vóc ấy. Tôi chỉ kinh doanh nhỏ lẻ thôi.

Ngày xưa từng đi làm thuê cho người khác, cũng làm truyền thông, cũng được chủ doanh nghiệp ngồi hỏi tư vấn truyền thông các kiểu. Mà chuyện đó đã cũ rồi. Tôi dẹp hết, vứt hết, vứt mấy cái mác kêu kêu "communication executive" (chuyên viên truyền thông) hay "communication manager" (giám đốc truyền thông) các kiểu. Vứt cuộc sống fancy sáng dậy lựa váy vủng, tô son siếc, nhảy lên xe chạy cái vèo tới công ty. Xuống xe, bấm cửa thang máy, lắc hông qua lại cho nó điệu đà, rảnh rảnh lôi điện thoại ra ngắm xem son hôm nay đã đủ đẹp chưa? Túi hôm nay đã ton sur ton với váy áo chưa? Bấm thẻ, ngồi vào chỗ làm, máy lạnh phà phà mát rượi, đi pha cốc cà phê, uống vài ngụm cho tỉnh táo tinh thần, rồi làm việc.

Tối 6h xong việc thì team tụ họp ăn uống, xem phim, nhậu nhẹt, khi thì 8h xong, khi thì 9h xong. Lết được về nhà là 10h tối rồi. Lúc đấy chỉ có lướt facebook, up hình, up status, chat bắn tim qua lại, tắm giặt rồi ngủ. Sáng mai lại cái vòng quay đấy. Váy váy áo áo, ăn ăn uống uống, nhậu nhậu nhẹt nhẹt. Tất nhiên không thể thiếu kèm theo các cuộc vui là tám nhảm. Từ ông CEO A gặp dớp gì, đến công ty B truyền thông dở, đến đánh giá sản phẩm C launching thành công, rồi anh D cãi nhau với anh Z tung trời khói lửa, cô Y làm vậy là sai lắm, vừa không có bản lĩnh vừa dốt chuyên môn…

Chao ôi là tám, chửi sếp, phán xét người ta, có nói cả ngày cũng không hết được. Mà có chuyện gì để làm ngoài công việc, tám nhảm, than vãn đâu? Cả ngày ngồi trong văn phòng, nắng không tới mặt, mưa không tới đầu. Có khi ngoài kia Sài Gòn đang mưa muốn lụt hết cả đường phố, thì trong văn phòng máy lạnh ấy thậm chí còn chẳng biết là mưa có tồn tại.

Rồi tiền là tiền. Làm cũng có tiền đấy mà sao nó cứ bay đi đâu hết. Quần áo này, váy này, giày dép này, vòng nhẫn này, cà phê này, nhậu nhẹt này, phim phiếc này. Cứ team, bạn bè, công ty tụ họp vài bận là triệu triệu chớp cánh bay đi thôi. Cuối tháng lại quay về mì gói, cơm nguội, chực chờ lương tới. Lương mà dám tới trễ 1 ngày là thôi rồi, sếp hay quản lý gì cũng được chửi tơi bời khói lửa hết. Tao làm muốn chớt mà không trả lương cho tao là sao?

Rồi chán. Chán cái cuộc sống ấy. Chán những cuộc trò chuyện vụn vặt, hết quần áo váy vóc son môi lại tới bình phẩm ca sĩ diễn viên rồi đánh giá chuyện nhà chuyện con chuyện gia đình sếp.

Đến lúc, mệt.

Tôi bỏ

Đi ra tự buôn bán. Tự kinh doanh. Chắc mẩm là đời nó sẽ lên hương lắm. Từ làm thuê, tao đã lên được làm chủ. Ồ yes. Theo xu hướng. Oai phết. Kể ra thì không có vốn, nhưng không sao, tới đâu hay tới đó.

Thế là biết mùi

Trước khi đi buôn bán, có 1 anh đi trước, khuyên là: "Em làm chắc chắn là được. Vấn đề em có dám vứt cái tôi đi không? Em có đủ mặt dày không?".

Chao ôi, có đủ mặt dày không?

Ừ, tôi có đủ mặt dày không?

Không có vốn. May mà có người quen, được lấy hàng trước trả tiền sau. Lúc lấy hàng, mới kinh doanh, không nắm chắc giá cả, bán hơi bị hớ, chị chủ nguồn hàng nói: "Thôi chị giảm cho mày. Tao bán nhiều, tao giảm không sao. Mày có mấy đơn hàng đâu". Tôi cúi đầu. Đúng. Chị nói đúng. Phải người tốt lắm mới thương mình như thế.

Nhưng cái chữ có – mấy – đơn – hàng – đâu nó mô tả đúng cái tình cảnh của mình. Cái đó mới là đắng cay.

Ngày xưa thì hết váy lại đến giày cao gót, đi bộ 200m là đã than lở trời lở đất. Giờ thì chỉ quần jean áo thun dép bệt, Sài Gòn có bốn hướng Bình Thạnh, Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp thì 1 ngày chạy hết cả bốn. Sài Gòn nắng như cái chảo lửa, thế mà 12h cũng phi ra đường. Ở nhà thì mất đơn hàng, ra đường thì có tiền, chọn đi! Có mà là 12h đêm cũng xông ra tuốt chứ đừng nói gì là giờ trưa thế. Cơm ăn thì ngày 3 bữa, ngày 2 bữa, ngày thì 3 bữa cộng làm một.

Ngày xưa thích câng mặt lên bình phẩm "quảng cáo này dở", "chiến dịch này không hay"... Giờ thì đến 1/10 cái chiến dịch đó mình cũng không làm được. Tiền đâu mà làm? Hệ thống đâu mà làm? Chạy quảng cáo facebook ngày xưa tiêu cả trăm ngàn thấy quá ít, phải xài vài triệu mới biết hiệu quả đến đâu. Giờ facebook cắn 3 chục nghìn thôi mà không ra đơn hàng nhìn cũng thấy đứt mấy khúc ruột. Là tiền đấy, là tiền đấy, không phải hến ngoài biển đâu mà lượm, cũng không phải lá mít mà hái, facebook mày đã tiêu tiền thế thì làm ơn cho tao cái đơn hàng được không??

Ngày xưa bước vào công ty nhà người ta thì bình phẩm, phê phán, góp ý, cái này xấu quá, cái kia tệ quá anh ạ, sao anh không sửa đi? Giờ thì căng mặt ra cười nghe người ta góp ý, em không được, cái này không hay, cái kia không tốt. Đấy. Đời vốn tức cười, là vốn tức lắm vẫn phải cười. Người ta góp ý là muốn tốt cho mình, quá cám ơn. Mà còn làm? Sửa 1 cái là bay 1 cục tiền. Chỉnh 1 câu lại bay 1 cục tiền. Tiền, tiền. Rồi thời gian, thời gian không đủ. Rồi nhân sự, không dám thuê người, làm gì có tiền trả cho họ? Rồi đơn hàng, hôm nay từ sáng đến chiều không ra đơn hàng đã thấy nhấp nhổm như ngồi chảo lửa. Khách vừa inbox là tôi như được lôi từ địa ngục lên thiên đường, vội vã nhào vào chat ngay. Inbox bạn bè một nghìn năm không trả lời nhưng inbox khách là trong vòng 1 phút phải có reply ngay lập tức.

Ngày xưa làm truyền thông đấy. Cũng ghê gớm đấy. Thế mà bây giờ còn không tự truyền thông nổi cho thương hiệu của mình. Như cái tát vào mặt.

Rồi cái tôi tan nát

Cái tôi tan nát qua mấy lần chửi, nghe góp ý, bị mắng, rồi khách hỏi, hàng em đâu, sao không đến. Cái tôi tan nát qua một tỉ chuyện không như ý mình. Hôm nay muốn chạy quảng cáo thì thẻ visa bị cấm. Hôm nay muốn viết xong bài thì đủ thứ xảy ra.

Hễ cái gì mà lên plan là không làm được theo plan. Xưa viết plan cho khách là cũng phải powerpoint, Excel, timeline, gửi qua email, tracking timeline. Giờ chán quá không thèm plan Excel nữa, tao viết ra giấy cho lẹ, hỏng thì sửa cho nhanh. Timeline vứt đi, đơn hàng mới là tất cả.

Rồi cái tôi tan nát qua những lần thiếu tiền. Tiền, tiền, tiền! Hồi làm thuê chẳng thấy tiền quan trọng bởi vì sướng quá, dù ngày hôm đó có vểnh râu lên lướt facebook vẫn có tiền lương chạy vào tài khoản. Còn giờ đứa nào dám nói tiền không quan trọng ra đây dùm cái, tát vào mặt tôi 1 phát xem thử đây là thực hay là mơ? Nói là tiền không quan trọng? Đúng, không quan trọng bởi nó quá quan trọng! 1 ngày thức dậy là 1 ngày tự hỏi: Kiếm tiền như thế nào? Đơn hàng ở đâu? Phải làm gì để tăng sale? Rồi làm gì, làm gì nữa?

Nhiều lúc cảm xúc nó lên cao đỉnh điểm, vừa muốn khóc vừa muốn cười sằng sặc. Có khi mặt bình thản im lặng là thế nhưng kỳ thực đang điên tiết. Có khi buồn khủng khiếp. Làm vài tháng mà trăm lần tự hỏi mình có đang đi đúng đường hay không? Bao nhiêu lần nghĩ hay là thôi lấy 1 công việc làm thuê? Thực ra tôi vẫn phải đang làm thuê part time để có 1 nguồn tiền cơ bản đủ nuôi sống mình hằng tháng. Tiếp tục hay dừng lại? Sao mà tôi chưa bao giờ hiểu là tự làm chủ nó vất vả thế này? Động một tí đến tiền thôi cũng giãy nảy lên vì sợ rủi ro. Kinh doanh không có vốn, làm gì cũng sợ không thu lại được tiền, làm gì cũng sợ lỗ. Thế mà ngày xưa sếp không duyệt kế hoạch thì ngoài miệng cười còn trong lòng chửi mười tám đời tổ tông sếp không trân trọng chất xám của em. Giờ thì chất xám cái gì! Chỉ có tiền và đơn hàng mới là quan trọng để nuôi sống tôi, nuôi sống cái thương hiệu bé tí của tôi, từng ngày…

Rồi khi thấy bạn bè chụp ảnh check in quán ăn nhà hàng, lại thấy lòng quặn lại. Rồi up ảnh váy váy áo áo, son son phấn phấn, thấy lòng mình lại đứt ra từng khúc. Ganh tị quá. Tụi nó sướng ghê. Nắng không tới mặt. Mưa không tới đầu. Còn mình ngồi ở giữa 1 đống ngổn ngang, với 1 cái thương hiệu không ai biết tới, 1 số tiền nợ nguồn hàng, dự định tương lai xoắn xuýt với hiện tại, học hành, tốt nghiệp, công việc tạm thời, và đủ thứ khác. Lắm lúc muốn bật khóc ngay giữa cái đống đấy.

Nhưng tôi vẫn đi. Có chọn lại cũng không chọn đi làm thuê

Lỡ tự làm cho mình rồi. Lỡ hiểu cái cảm giác đó rồi. Cái tôi tan nát. Cái sự "chảnh" – mà FTUer ai cũng có không ít thì nhiều – nó tan nát. Thấy mình chẳng khác gì ông bán cơm hay bà bán quán. Chẳng có gì ưu việt hơn cả, chúng ta đều giống nhau. Chả có gì để mà kênh với chả kiệu.

Giờ chẳng có gì xấu hổ. Xưa khi hết tiền không dám đi café với bạn bè, sợ lúc móc tiền trả nó thấy tiền lẻ nó khinh cho. Giờ bước vào thế giới di động, túm sale hỏi han đủ thứ trên trời dưới biển, thử 3 cái điện thoại đến lúc móc tiền ra trả mới thấy thiếu 51.000 đồng. Thế thôi chào 4 bạn nhân viên thế giới di động tớ đi về. Chả thấy xấu hổ. Chả thấy ngại ngùng. Ừ thì tui hết tiền như thế đấy. Gặp bạn bè, nói thẳng ra: Tao nghèo, ồ kế? Thích thì chơi, không thích thì nghỉ. Tui giờ nghèo thế đấy, làm gì nhau?

Giờ chẳng có gì là tiểu thư khuê các. Cũng chẳng có ngại nắng ngại gió "ngại xa ngại mệt" mà cái dân văn phòng hay kêu ca. Giờ cũng không còn cái than vãn, sếp khó, việc nặng, khách hàng như đồ điên mà xưa khi đi làm hay nói. Giờ thì ai mang tiền đến cho tui thì đó là thượng đế. Chấm hết. Không có gì là khó, cái khó đã trải qua rồi. Giờ chỉ có khó hơn và khó hơn nữa thôi. Mà thôi chả có gì sợ. Kệ nó. Đã ra nông nỗi này rồi, thì cũng chẳng có mấy cái gì tệ hơn được đâu. Cùng lắm là nghèo như thế này. Thì sao? Kệ. Chả sợ. Cứ làm thôi.

Giờ đã hiểu thế nào là sự cô đơn. Đó là cảm giác không có ai hiểu mình. Bạn bè không hiểu được. Người tốt thì góp ý chân thành cho thương hiệu, cải cảm ơn đó không bao giờ hết được. Người không tốt thì khinh nó là dân buôn bán, nghi là nó tính trục lợi gì ở mình đây, không chơi nữa. Ừ thì thôi. Kệ bạn. Cái cô đơn, cái lo lắng, những cảm xúc đỉnh điểm: lo lắng đỉnh điểm, buồn bã đỉnh điểm, hồi hộp từng ngày, trông chờ từng đơn hàng... sự cô đơn khi thấy con đường của mình hiếm người hiểu, thấy tầm nhìn của mình không trở thành hiện thực mà bây giờ toàn thấy là thử thách ngổn ngang… Thật là giờ đã hiểu. Hiểu rồi thì không trở lại được. Cái cô đơn của tự làm chủ nó kỳ lạ lắm, nó buồn là thế, nó hoang mang là thế, mà sao biết 1 lần rồi là không dứt ra được… Tại sao thế nhỉ?

Và ước mơ. Ước mơ vẫn còn nguyên đó. Và tầm nhìn. Nhìn là vài tháng nữa, 1 năm nữa mình muốn gì. Lắm lúc bước vào quán café, ví như The Coffee House chẳng hạn, không bao giờ hết ngưỡng mộ tầm nhìn của người đứng đầu. Giỏi quá. Làm được 1 chuỗi đẹp đẽ thế này. Còn mình vài đơn hàng vài khách hàng thôi cũng xử không xong. Tầm nhìn của họ xa quá.

Một ngày nào đó, mình sẽ được như họ. Mình sẽ giỏi được như họ. Mình sẽ xử lý được như họ. Giờ tầm vóc mình còn bé, đời tặng cho ít thử thách be bé, phải vật lộn cho nó xong. Thuyền to thì gió lớn. Mình sẽ làm được chuyện lớn, khi tầm vóc đủ lớn. Chắc chắn 1 ngày nào đó sẽ được. Chắc chắn. Giờ không sao. Mình còn trẻ lắm. Mới có hai mấy tuổi thôi. Đời mình còn dài, cơ hội còn nhiều, miễn là mình chịu cố gắng. Miễn là mình kiên cường. Con gái thì sao chứ, giới tính không liên quan gì cả. Chỉ cần có bản lĩnh, còn ước mơ, vẫn tin tưởng và kiên trì. Chắc chắn 1 ngày nào đó mình sẽ làm được.

Và thế, những buồn vui suốt mấy tháng qua không biết viết thế nào cho đủ

Chỉ có vài lời gửi đến FTUer. Các bạn thích sao cũng được, làm thuê thì sướng cái là an toàn an tâm. Tự làm chủ thì bạn thấy hành trình của mình rồi đó, từ phấn khích đến sợ hãi đến tơi bời đều có cả. Chỉ được tự do, nhưng tự chịu trách nhiệm cho tất cả. Ôi cái tự do giá phải trả sao mà đắt thế.

Làm thuê thì cái tôi dễ lên cao chót vót khi thấy mình tạo được thành quả. Đôi khi mình quên mất nhờ hệ thống có sẵn của công ty mình mới đạt thành quả nhanh thế. Tự làm chủ dễ gặp cái tôi tan nát khi thấy mình không làm được gì ra hồn cho chả có cái gì hậu thuẫn.

Thế mới hiểu sao người ta bảo tự làm chủ phải có đam mê. Ừ, phải có 1 cái gì đó ngọt ngào như đam mê, để ăn tạm cho đỡ những lúc cay đắng. Mà lúc cay đắng thì nhiều lắm. Đếm không nổi đâu. Lắm lúc chỉ biết ngồi bần thần, uống cốc cà phê, chẳng nghĩ gì cả, phần vì nhiều thứ quá không biết nghĩ gì, phần vì buồn quá không nghĩ ra được gì nên hồn.

Nhưng tôi vẫn thích. Vẫn thích làm chủ. Kể từ khi làm chủ, tôi thấy mình rất thường, rất gần, và rất đời. Chẳng có gì cao sang, chẳng có gì quý phái. Chỉ như bà bán rau ngoài chợ thôi. Mỗi ngày còn sống và chiến đấu là 1 ngày vui. Hôm nay thất bại thì có sao cơ chứ, thất bại đâu phải gặp lần đầu, đã thất bại đến nỗi chán luôn rồi, không sợ thất bại nữa rồi.

Khi làm chủ, tôi thấy mình sống từng ngày thật ý nghĩa, thật mặn, thật chất. Không còn những ngày chỉ trông đồng hồ đến 6h tối để bay ra khỏi công ty, không còn những ngày sáng thức dậy thấy đồng hồ chỉ 8h là chán, không muốn thay đồ đi làm. Mỗi sáng lại 1 câu hỏi: Hôm nay làm gì để tăng sale đây?

Kết quả cuối ngày nó sẽ là đáp án cho nỗ lực của mình. Mà nó phũ phàng lắm. Làm tốt hay làm tệ, doanh số nó sẽ lột trần tất cả. Dù muốn hay không vẫn phải đối mặt với thực lực của mình. Ra tiền nhiều hay ít do mình giỏi hay dở thôi. Đối mặt đến khi cái tôi tan nát, không sợ nhục, không sợ ngu, không sợ dốt; vì nhục quá nhiều, ngu quá nhiều, dốt quá nhiều rồi. Thế thì có gì sợ mà không tiếp tục?

Tiến lên thôi. Mỗi ngày mới, bước thêm 1 bước. Cuộc đời này sống không quan trọng bao lâu, mà quan trọng là chất lượng đúng không? Thế thì ở tuổi 21, những tháng qua, tôi đã trải nghiệm rất nhiều rồi. Tự làm chủ, bầm dập và buồn bã. Nhưng tôi thích nó. Tôi yêu cuộc sống ấy. Tôi thấy cuộc sống đó thật ý nghĩa. Tôi thấy cuộc sống đó thật sâu. Thật chân thật.

Ừ, thế thì cứ tiếp tục thôi. Đường thì còn dài lắm, dài mênh mông. Nhưng cứ đi thì chắc cũng phải tới, nhỉ!".