Ông Tango Hirosuke - Giám đốc công ty Tango Candy (100% vốn Nhật Bản) năm nay 77 tuổi, là nhân vật khá "hot" trên báo chí thời gian qua với triết lý kinh doanh: "Nếu không minh bạch thì một đồng cũng không chi". Còn nhà báo Hữu Bằng là một tấm gương vượt khó, mồ côi cha mẹ, từ năm lớp 4 đã biết đi nhổ cỏ mía để có tiền đi học. Tài sản lớn nhất của Bằng ở tuổi 32 là 2 tấm bằng đại học, là nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Vật chất, sau 8 năm tích cóp từ nghề báo, là hơn 100 triệu đồng tiền mặt và miếng đất trị giá hơn 100 triệu đồng dự định cất nhà - đã hết sạch sau hai tháng chạy thận.
Ông Tango và con gái chia sẻ cùng Bằng
Sau khi Bằng phát bệnh, báo Long An đã thuê một căn nhà nhỏ cách cơ quan vài trăm mét. Mỗi tuần Bằng chạy thận 3 ngày, những ngày còn lại, các bạn đoàn viên của báo Long An thay phiên nhau đến nhà trọ của Bằng và ở lại đây, cùng nhau chăm sóc bạn. “Gia đình tôi đã đi xét nghiệm để hiến thận. Không ngờ, ai cũng mắc bệnh. Tôi có 9 anh chị em, thì có 4 người mất sớm vì bệnh mà không tiền chạy chữa. Anh Hai đi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bị viêm cầu thận, anh Sáu thì bị viêm gan B. Đứa em gái thì đang nằm Chợ Rẫy vì bệnh bao tử. Chỉ có một người chị tương đối khỏe mạnh là có thể hiến được nhưng gia đình không có tiền” - Bằng kể.
Sáng nay 17.4, ông Tango cùng vợ và 2 con gái và người cháu ruột đã đến phòng trọ của Bằng. Ông Tango cho biết phải tranh thủ ngày nghỉ lễ vì bình thường công việc rất nhiều. “Tôi muốn trực tiếp động viên Bằng. Và cũng muốn các con gái của tôi biết được nghị lực lực của một nhà báo trẻ nên hôm nay tôi đến đây”.
Một bạn đọc báo Dân Việt đến thăm Bằng
Ông Tango kể, ông đã từng trải qua giai đoạn khó khăn khi sinh ra trong chiến tranh thế giới, ký ức tuổi thơ có những trận bom, phải vào đời từ rất sớm để có thể tồn tại. “Các con gái của tôi, đi học bằng xe buýt. Các cháu đem theo thức ăn và nước uống. Mỗi ngày đi học chỉ tiêu đúng 4.000 đồng cho 2 lượt xe buýt” - ông Tango hóm hỉnh nói khi nghe Bằng kể việc tiết kiệm. Ông Tango cảm thông và chia sẻ với Hữu Bằng khi anh kể từ năm 8 tuổi (cha mất), anh phải đi bắt còng, cua, bán cho những người chăn vịt để có tiền đổi gạo, rồi 9 - 10 tuổi đã phải đi nhổ cỏ thuê, chấp nhận làm “buổi đứng” để vừa đi làm đi học (ở miền Tây, “buổi đứng” là làm từ sáng sớm đến khi đứng bóng, miễn đủ 8 tiếng làm việc).
“Mờ sáng là tôi đi nhổ cỏ. Trưa về vẫn kịp đi học. Công việc ở quê cũng không có nhiều. Có khi cả tuần chỉ nhổ cỏ được 1 - 2 ngày. Tôi nhỏ quá, có chỗ không nhận làm, mình phải năn nỉ. Mình nhỏ, người ta trả có một nửa công thôi” - Bằng kể.
Ông Tango, năm nay 77 tuổi, chưa từng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, cũng không phải uống thuốc vì sức khỏe rất tốt. Ông kể cho Bằng nghe bí quyết giữ sức khỏe của ông, cách ăn uống, cách nghỉ ngơi, và quan trọng nhất là phải có tinh thần lạc quan. Có tìm hiểu về bệnh suy thận, ông Tango tặng Bằng một số thực phẩm của Nhật Bản mà ông đang dùng hàng ngày rồi căn dặn: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ vì bệnh thận sẽ phải kiêng cữ nhiều món. Để cho chắc ăn, Bằng có thể tham khảo thêm bác sĩ nhé”.
Nhà báo Hữu Bằng (trái) nhắn nhủ với những người quan tâm anh: “Cảm ơn mọi người. Tôi nhất định sẽ chiến thắng!”
Ông Tango cho biết, ông rất hy vọng bạn đọc cả nước sẽ quan tâm đến trường hợp của Bằng. “Khi công ty của tôi bị đối xử bất công, nhiều người đã quan tâm, chia sẻ và động viên rất nhiều để chúng tôi vượt qua khó khăn. Tôi đọc báo và thấy hoàn cảnh của Bằng, thấy các đồng nghiệp của em lên Facebook vận động mọi người giúp đỡ em nên tôi muốn được góp sức cùng các bạn. Chúng ta chung tay, điều kỳ diệu sẽ đến!” - ông già 77 tuổi tin tưởng.
Ông Tango là giám đốc Công ty Tango Candy (KCN Tân Đức, Long An). Tháng trước, công ty của ông bị chủ đầu tư KCN Tân Đức dùng đất lấp cổng công ty, cắt nước sinh hoạt để đòi thu phí duy tu cơ sở hạ tầng cao nhất Long An (10.018 đồng/m2/năm trong khi mặt bằng chung Long An chỉ khoảng 6.000 - 8.000 đồng/m2/năm). Ông và các doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu mức phí 8.500 đồng/m2/năm. Với diện tích công ty 10.000m2, mức phí ông Tango yêu cầu thấp hơn 15 triệu đồng so với mức mà Tân Đức đòi. Bị triệt đường sản xuất, ông Tango vẫn không chịu đóng phí cao, dù bị thiệt hại tiền tỷ. Ông phát biểu: “Chúng tôi cần sự minh bạch. Nếu minh bạch, một tỷ đồng cũng chi. Còn chi sai, một đồng cũng không đóng!”. Báo chí lên tiếng, chính quyền địa phương vào cuộc và khẳng định Tân Đức làm sai. |